Cải bó xôi được cấy ghép ống nano cacbon có thể phản ứng với chất nitro-aromatics, giúp phát hiện mìn và đạn dược chôn dưới đất.
Giáo sư Michael Strano, đến từ Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ và các đồng nghiệp cho biết cây cải bó xôi sau khi hấp thụ ống nano carbon có thể phát hiện hóa chất nitro-aromatics trong mìn và đạn dược chôn dưới đất, theo BBC. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nature Material hôm 31/10.
Sau khi cấy ghép ống nano carbon, lá cải bó xôi có thể phát hiện bom đạn chôn dưới đất. (Ảnh: Christine Daniloff).
Phòng nghiên cứu của giáo sư Strano trước đó chế tạo các ống nano carbon có thể sử dụng như một bộ cảm biến nhằm phát hiện chất hydrogen heroxide (H2O2), TNT và khí độc sarin. Khi phân tử của các chất này kết hợp với vật liệu polymer bọc xung quanh ống nano cacbon, nó làm thay đổi cách ống phát sáng.
Các nhà khoa học sau đó cấy ghép các hạt nano và ống nano carbon vào lá cây cải bó xôi. Cây cải mất 10 phút để hấp thụ nước vào lá.
Để đọc được tín hiệu, nhóm nghiên cứu chiếu tia laser vào lá, khiến các ống nano phát ra ánh sáng huỳnh quang cận hồng ngoại. Ánh sáng này có thể phát hiện bằng máy chụp hồng ngoại nhỏ kết nối với máy tính hoặc một chiếc điện thoại thông minh loại bỏ bộ lọc tia hồng ngoại.
"Với công nghệ này, cây cải có thể giám sát nước ngầm rò rỉ từ đạn dược chôn dưới lòng đất hoặc chất thải chứa nitro-aromatics. Chúng có thể sử dụng trong các chương trình phòng thủ và giám sát khu vực công cộng để phát hiện các hoạt động khủng bố", giáo sư Strano nói.
Công nghệ hiện nay cho phép các nhà khoa học thu nhận dấu hiệu trong khoảng cách 1m từ vị trí của cây cỏ. Họ đang nghiên cứu để mở rộng khoảng cách này.