Công nghệ của năm 2015: Cảm biến vân tay

  •  
  • 1.525

Cảm biến vân tay trên điện thoại lần đầu gây được sự chú ý mạnh mẽ là vào năm 2013, khi mà Apple đưa nó lên iPhone 5s. Kể từ đó thì công nghệ này đã trở thành một thứ thiết yếu, cho đến năm 2015 thì nó được xem như một "tính năng" không thể không có trên các smartphone cao cấp. Và không có gì quá khó hiểu nếu như chúng ta nói rằng nhận dạng vân tay trên smartphone chính là công nghệ của năm 2015 - một năm thực sự bùng nổ của công nghệ đầy tính thiết thực và tiện dụng này.

Chưa bao giờ chúng ta lại quan tâm nhiều đến công nghệ nhận dạng vân tay trên điện thoại như lúc này. Ở một thế giới mà thiết kế điện thoại đang thực sự bị tắc nghẽn, thì như trước đây, để tìm được điểm khác biệt và những nâng cấp của smartphone thế hệ mới và cũ, chúng ta phải nhìn vào sự thay đổi của RAM, camera hay CPU. Thế nhưng bây giờ, cảm biến vân tay đã vạch ra một ranh giới phân biệt rõ ràng những thế hệ máy mới ra với máy của những năm trước, hay thậm chí là giữa một chiếc máy cao cấp và máy tầm trung.

Nói đi cũng phải nói lại, 2015 là một năm thực sự tuyệt vời của công nghệ nhận dạng vân tay trên smartphone, và sự tuyệt vời này được hiểu theo nhiều cách.

Sự tham gia ồ ạt của nhiều hãng điện thoại

2015 là một năm thực sự tuyệt vời của công nghệ nhận dạng vân tay trên smartphone.
2015 là một năm thực sự tuyệt vời của công nghệ nhận dạng vân tay trên smartphone.

Đầu tiên, đó là nó đã trở thành công nghệ không thể thiếu trên các smartphone cao cấp hiện nay. Nếu như năm 2013/2014 các hãng điện thoại chưa thật sự mặn mà lắm với công nghệ này, thì năm nay lần lượt Samsung với dòng Galaxy S6, HTC One A9/M9+, Sony với Z5 và Z5 Compact, và không thể quên hãng đua cấu hình LG với V10 gần đây.

Nổi bật hơn hết đó là sự tham gia của Google với bản Android 6.0 đã hỗ trợ cảm biến vân tay từ trong nhân, mà trước mắt đó là Nexus Imprint của bộ đôi Nexus 5X và 6P. Việc hỗ trợ nhận diện vân tay từ trong nhân của Android 6.0, và việc đưa nó lên Nexus 5X và 6P - dòng Nexus thường là dòng được Google đưa nhiều công nghệ tương lai của Android lên - là hai bước đi cho thấy Google đang muốn biến công nghệ này trở thành thứ thiết yếu của "toàn bộ" smartphone Android trong tương lai không xa, dù đó có là cao cấp hay giá rẻ.

Chưa dừng ở đó, chất lượng của cảm biến vân tay trên điện thoại giờ đây đã tốt hơn rất nhiều. Touch ID trên iPhone 5s lúc đó đã ở mức chấp nhận được, tức là chạm vào để khoảng vài ms là đã mở khoá. Thì giờ đây khi mà cảm biến vân tay mà Samsung mang lên cho S6 cho tốc độ và độ ổn định cao hơn nhiều, thì Apple cũng đã có câu trả lời với iPhone 6s/6s Plus với Touch ID tiên tiến hơn. Chính vì sự cạnh tranh giữa các hãng đã giúp cho công nghệ này ngày càng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn nhiều lần, và khách hàng là những người được hưởng lợi nhất.

Bảo mật

Từ bảo mật có vẻ nghe rất ghê gớm với nhiều người dùng smartphone phổ thông, nhưng khi nói theo một cách cụ thể hơn là "mở khoá điện thoại" thì là điều hoàn toàn khác. Một ngày thì mình mở khoá máy tầm 96 lần, mở ra rồi lại khoá lại, hoặc mở ra vuốt qua vuốt lại cho vui rồi khoá. Và như trước đây thì mình cũng bấm 4 số bảo mật trên iPhone bắt mỏi mệt, hoặc phải mở máy lên, vuốt qua rồi mới vô. Với các bạn Android thì nhiều trò hơn như vẽ hình - mình không hiểu vẽ gì cho nhiều để mệt - hoặc bấm số bấm chữ. Vì thế khi mà cảm biến vân tay cho phép mở khoá máy nhanh chóng, mình làm công việc mở khoá/khoá máy ngày càng thường xuyên hơn.

Thế giới hiện tại được chia làm hai: vẽ để mở khoá máy, và những người có cuộc sống đơn giản hơn

Cuộc sống dễ dàng hơn bao nhiêu khi mà ta chỉ cần nhấn vào nút Home và rồi mọi thứ đã sẵn sàng, không còn những cái vuốt qua dơ màn hình, vẽ qua lại vớ vẩn nữa. Chưa kể đó là những cách truyền thống đó có thể dễ dàng bị lộ ra, hoặc có khả năng bị vượt qua, trong khi vân tay thì chỉ có một và hoàn toàn được lưu ở khu vực riêng trên mỗi máy, không ai có thể xem và truy cập vào. Ngoài ra, các nhà phát triển cũng đã tích hợp cảm biến vân tay vào ứng dụng (như 1Password, Telegram, Zalo,...) giúp chúng khó bị xem lén hơn.

Thanh toán di động

Apple Pay và Samsung Pay là hai cái tên tiên phong trong việc đưa cảm biến vân tay vào trong quá trình thanh toán di động.
Apple Pay và Samsung Pay là hai cái tên tiên phong trong việc đưa cảm biến vân tay vào trong quá trình thanh toán di động.

Apple Pay và Samsung Pay là hai cái tên tiên phong trong việc đưa cảm biến vân tay vào trong quá trình thanh toán di động. Cả hai đều đóng vai trò là phương thức xác thực để đảm bảo người thanh toán chính là chủ nhân của thẻ tín dụng. Với việc nghiêm túc hơn với cảm biến vân tay từ Android 6.0, thì việc Google tích hợp công nghệ này vào Android Pay cũng sẽ là chuyện một sớm một chiều. Và như các bạn cũng biết rồi đấy, sự phổ biến của Android sẽ là bệ phóng gián tiếp đưa hình thức thanh toán di động (dựa vào cảm biến vân tay) trở thành một điều gì đó bình thường trong tương lai gần.

Smartphone sẽ thay thế hàng tá thẻ tín dụng trong ví người dùng trong tương lai không xa?

Hiện tại thì cả Apple Pay, Samsung Pay và các bên thứ ba sử dụng Android Pay vẫn còn đang hạn chế. Apple Pay và Samsung Pay thì mới chỉ ở những quốc gia lớn (sang năm 2016 là có thêm Trung Quốc), và còn nhiều hạn chế như thói quen của người dùng, tốc độ chuyển sang sử dụng máy thanh toán NFC của các nhà bán lẻ nhìn chung vẫn còn chậm chạp. Tuy nhiên khi mà mọi thứ đều được hỗ trợ, phổ biến hơn, thì việc khách hàng rút thẻ ra để cà và đợi sẽ trở nên "lạ thường" trong tương lai, khi mà mọi người đều chỉ việc rút điện thoại ra chạm là xong.

Kết

Trước đây, cảm biến vân tay chỉ là một thứ vui vẻ, thêm vào những chiếc smartphone cao cấp để giúp nó khác biệt. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt kể từ năm nay, nhận dạng vân tay giờ sẽ là, mà không, phải là công nghệ có trên smartphone. Không cần biết điện thoại của bạn có những chức năng thần thánh gì, nó ít nhất phải "mở khoá được bằng vân tay", thật khó chấp nhận nếu như một chiếc máy gần 1000 USD lại phải bắt vẽ nhảm nhí hay vuốt mòn màn hình để mở khoá.

Theo Tinh Tế
  • 1.525