Cúm gà tiếp tục 'nóng' ở Thổ Nhĩ Kỳ

  •  
  • 82

Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường tiêu huỷ gia cầm khắp lãnh thổ sau khi có thêm 1 bé gái nghi nhiễm cúm gà tử vong và cậu em trai đang nguy kịch vì H5N1.

Mẹ của bé Fatma Ozcan

Bé gái Fatma Ozcan từng tiếp xúc với gà bệnh, song kết quả xét nghiệm ban đầu lại không cho thấy dấu vết của virus H5N1. Thực tế này chưa đủ thuyết phục giới chuyên môn và người ta chờ đợi kết luận cuối cùng trong vài ngày nữa.

"Em nhập viện quá muộn. Mặc dù được điều trị ngay như ca bệnh cúm gà, tình trạng trở nên tồi tệ hơn", bác sĩ Huseyin Avni Sahin trực tiếp xử lý ca bệnh cho biết. Cách đó 5 ngày, cậu em trai 5 tuổi cũng phải nhập viện và đang trong tình trạng khẩn cấp. Cả hai đều tiếp xúc với gia cầm và có thể đã ăn thịt gà bệnh.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã có 3 em nhỏ cùng một gia đình lần lượt qua đời vì cúm gà. Hiện nay, virus H5N1 xuất hiện trên 1/3 đất nước, đặc biệt là tại các làng dọc theo tuyến chim di cư từ Istanbul và các "cửa ngõ" châu Âu cho tới thành phố Van gần biên giới Iran, Irắc. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu huỷ gần 600.000 gia cầm nhằm khống chế cuộc khủng hoảng.

Mỹ cử một nhóm chuyên gia tới Thổ Nhĩ Kỳ để đánh giá thực trạng, kết hợp với các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới đang có mặt ở đây. WHO tin rằng các nạn nhân cúm gà từ trước tới nay nhiễm virus chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với gà bệnh. Trẻ nhỏ thường chơi với chim hoặc tham gia giết mổ và ăn thịt gia cầm.

Trước sự khủng hoảng bệnh dịch ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước láng giềng Iran vừa tiêu huỷ gần 120.000 gia cầm ở 239 làng dọc biên giới. Nước này đã cấm nhập khẩu gia cầm và khuyến cáo người dân không lui tới vùng dịch. 10 sông hồ ở Iran được lên báo động đỏ trong nỗi lo ngại dịch bệnh phát tán từ chim di cư.

Giới chuyên môn tiếp tục cảnh báo virus H5N1 sẽ "năng động" hơn trong các tháng lạnh và có nguy cơ lan rộng ở đông Á khi người dân giết mổ gia cầm chuẩn bị đón Tết âm lịch.

Mỹ Linh (theo Reuters)

Theo Vnexpress
  • 82