Cuộc chiến đẫm máu tại thành cổ Lưỡng Hà

  •  
  • 1.436

Các viên đạn cỡ to và nhỏ

Khu phế tích hoang tàn của một thành trì 5.500 tuổi tại nơi là biên giới Syria và Iraq ngày nay đã cung cấp bằng chứng cổ xưa nhất về một cuộc chiến tranh đẫm máu có tổ chức.

Khu định cư vùng Lưỡng Hà nằm ở Hamoukar, đỉnh tận cùng phía bắc của Syria, cách Iraq 8 km. Vào năm 3.500 trước Công nguyên, khu vực rộng 13 ha này đã hứng chịu một cuộc tấn công kinh hoàng, trong đó các toà nhà lần lượt sụp đổ dưới sự tấn công ồ ạt của các viên đạn cỡ to và nhỏ.

Bằng chứng của cuộc tàn phá này đã được phát hiện vào tháng 10 và 11 năm 2005 do các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago, Mỹ và Viện cổ học Syria, thực hiện.

Trong những cuộc khai quật trước đó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những toà nhà bị phá nghiêm trọng do hoả hoạn. Cuộc viếng thăm mới nhất đã làm lộ ra 1.200 viên đạn bằng đất nung hình oval có đường kính 2,5 cm và dài 4 cm. Nó cũng làm lộ ra 120 cục đất nặng hơn có kích cỡ 5x10 cm.

Nhóm ban đầu lầm tưởng những viên đạn to là những cái ấm, nhưng cả viên to lẫn viên nhỏ đều có những vết xước và chỗ lún do bị đâm vào các toà nhà.

Các nhà khoa học cũng thực hiện thí nghiệm khẳng định các viên đạn được bắn bởi thiết bị tương tự như súng cao su. Những viên đạn nhỏ hơn đã bị biến dạng do chịu tác động, chứng tỏ chúng được sản xuất ngay trong cuộc chiến và vẫn còn mềm.

"Toàn bộ khu vực chúng tôi khai quật đã từng là một bãi chiến trường khốc liệt. Nó rõ ràng không phải là một cuộc đụng độ nhỏ mà là chiến dịch 'sốc và kinh hoàng' vào thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên
", Clemens Reichel tại Đại học Chicago nhận định.

Vào giai đoạn này, rất nhiều khu định cư lớn được thiết lập ở miền Nam Hamoukar, trong thung lũng Euphrates ở trung tâm Iraq. Có bằng chứng cho thấy những người này đã di cư lên phía Bắc, thành lập nên những cộng đồng và mang theo các tạo vật văn hoá Uruk.

Nhưng cuộc khai quật tại Hamoukar giữa năm 1999 và 2001 cho thấy khu định cư đầu tiên có từ trước cuộc di cư Uruk. Tuy nhiên, ngay sau khi thành phố này bị phá huỷ, thì các tạo vật và công trình của nền văn hoá Uruk lại trở nên phổ biến ở khu vực.

"Có vẻ như những người sống ở miền Nam đóng vai trò trong cuộc phá huỷ thành phố. Họ đã chiếm đóng khu vực ngay sau khi phá huỷ. Đó là bằng chứng đầu tiên cho thấy người Uruk tham gia vào cuộc chiến tranh vũ trang trên đường Bắc tiến của mình", Reichel nói.

Alexandra Fletcher, tại Bảo tàng Anh nhận định phát hiện ở Hamoukar đã bổ sung chi tiết mới mẻ về bức tranh nền văn minh thời kỳ đầu tại khu vực. "Đó là một giai đoạn thú vị. Là sự khởi đầu của các thành phố lớn và những thứ liên quan tới cuộc sống hiện đại, bao gồm cả chiến tranh".

Theo VnExpress
  • 1.436