Cyworld và giới trẻ Hàn Quốc

  •  
  • 1.224

Muốn mổ xẻ tâm lý cũng như thấy được sinh hoạt thanh thiếu niên Hàn Quốc, chỉ cần đặt ống kính vào trang web Cyworld – website số một Hàn Quốc với khoảng 20 triệu thành viên (hơn 1/3 dân số Hàn Quốc) mà 90% thành phần trong số đó là đối tượng thanh niên độ tuổi trung bình 20. “Cy” trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa “quan hệ” và Cyworld là nơi giới trẻ xây dựng quan hệ, thể hiện tư duy, bày tỏ tâm trạng, trao đổi thông tin, chia sẻ cảm xúc, dang tay đón nhận bạn bè cùng lúc thể hiện cái tôi của chính mình...

Với Lee Yu-jin 18 tuổi, sinh viên năm thứ nhất Đại học Osan, Cyworld là thế giới riêng đặc biệt. Cô sinh viên đồ họa này đưa tất cả thiết kế cũng như nhiều bài báo trường của mình lên Cyworld. Trang chủ mini của Lee Yu-jin còn có “cuốn album” chụp bạn bè, người thân và cả những buổi tiệc.

Tuyệt chiêu nội thất

Lee Yu-jin viết blog (nhật ký trên mạng) hằng ngày trên Cyworld cũng như chat với bạn trai. Cô quen được thêm nhiều bạn mới. Xét về bản chất (tạo kết nối cộng đồng cùng lúc thể hiện cái tôi), Cyworld tương tự MySpace tại Mỹ (mạng cộng đồng tiếng Anh hiện phổ biến thứ sáu thế giới và thứ ba tại Mỹ) nhưng nó tuyệt hơn về hình thức với trang chủ được dựng ba chiều và người sử dụng có thể tự thiết kế “nội thất” cho trang chủ mini hệt như trong một căn nhà thật.

Sẽ có một hoặc nhiều người khách nào đó tạt qua “nhà” mình nên người sử dụng phải chăm chút hơn để trang trí trang chủ riêng (gọi là “minihompy”)... Không chỉ có nhiều tiện ích thu hút giới trẻ chẳng hạn chat, điện thoại quốc tế..., người sử dụng còn có thể vào Cyworld từ điện thoại di động.

Bùng nổ ngày càng mạnh từ khi được SK Telecom (nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn nhất Hàn Quốc) mua năm 2003 với giá 8,5 triệu USD, Cyworld đã trở thành hiện tượng không chỉ về xã hội mà còn kinh tế. Dù việc sử dụng Cyworld không mất tiền nhưng thành viên phải tốn tiền thật khi tậu vật dụng cho trang chủ cá nhân. Họ đổi tiền thật (qua thẻ tín dụng) để lấy tiền ảo (gọi là dotori).

Năm 2005, SK Communications (chi nhánh SK Telecom) đạt lợi nhuận 25 triệu USD từ doanh số 160 triệu USD mà phân nửa trong số đó là dịch vụ bán hàng qua đơn vị tiền tệ ảo dotori. Tính trung bình, giao dịch mỗi ngày trên Cyworld khoảng 300.000 USD, tức hơn 7 USD/người/năm (so với 2,17 USD/người/năm của MySpace). Điều đó có nghĩa giới trẻ Hàn Quốc đã chi hàng chục triệu USD (tiền thật) mỗi năm khi sống trong thế giới Cyworld.

Tàng thư trên mạng

“Minihompy” trên Cyworld

Đời sống mạng 24/24 giờ của Cyworld luôn náo nhiệt và sôi động. Mỗi ngày, có khoảng 6,2 triệu bức ảnh được tải lên Cyworld (hầu hết chụp từ điện thoại di động)! Kỹ sư máy tính Kim Joon 31 tuổi cho biết mình dùng Cyworld để làm “tàng thư” lưu trữ album gia đình và mai này, 20 năm sau chẳng hạn, đứa con (hiện một tuổi) của anh có thể xem lại từng cột mốc chặng đường trưởng thành của nó từ Cyworld! 

Đó chính là điều SK Telecom muốn. Càng lưu trữ nhiều thông tin cá nhân trên Cyworld, người sử dụng càng trung thành với trang web này. SK Telecom lưu tất cả sinh nhật của người sử dụng và thông báo trước cho “cybuddy” (bạn quen từ Cyworld) biết để chuẩn bị chúc mừng.

Mừng thế nào đây? Bạn có thể gửi thiệp điện tử hoặc nhạc số, với giá 0,5-9 USD. Trên Cyworld còn có ô tìm kiếm. Chỉ cần gõ tên, sinh nhật và giới tính hoặc địa chỉ e-mail, Cyworld sẽ giúp tìm người quen lâu ngày chưa gặp (tất nhiên người đó cũng phải là thành viên Cyworld). Trong nhiều trường hợp, thành viên còn có thể kiếm tiền nhờ Cyworld.

Hốt bạc

Sau khi đưa lên Cyworld các công thức cùng ảnh những món ăn ưa thích, Kim Hyoung-gon đã được mời viết quyển cẩm nang ẩm thực! Kang Hee-jae 31 tuổi thậm chí dám nghỉ việc và mở một website mua bán trực tuyến sau khi bộ sưu tập búp bê và quần áo của cô “khoe” trên Cyworld thu hút được 2,7 triệu lượt khách tham quan và nhiều người đòi mua.

Tất nhiên, phần mình, Cyworld cũng hốt bộn bạc. Họ bán 6 triệu ca khúc mỗi tháng (trở thành một trong những cửa hàng nhạc số thành công nhất hiện nay) đồng thời kiếm không ít từ dịch vụ điện thoại di động. Có 2,6 triệu khách hàng đã đăng ký truy cập Cyworld từ điện thoại di động (đăng ký không tính phí nhưng truy cập phải trả tiền).

Cyworld còn tăng doanh thu nhờ quảng cáo trên giao diện trang chủ. Tại các trang chủ mini (của từng thành viên), việc quảng cáo không được phép nhưng nhiều doanh nghiệp (hiện có khoảng 30.000) đã lập trang chủ mini để quảng bá cho họ. 

Kình địch của MySpace

Sau chiến dịch thâm nhập Trung Quốc và Nhật, tháng 8-2006, Cyworld đã tấn công sang Mỹ. Sự kiện này từng thu hút sự chú ý báo chí nói riêng và giới kinh doanh công nghiệp giải trí trực tuyến nói chung.

Tuần báo Business Week từng nhận định rằng Cyworld có thể nghiền nát đối thủ MySpace ngay trên sân nhà của trang web này.

Thành công Cyworld cho thấy nhiều điều. Ở góc độ kinh tế đó là sự chộp bắt nhanh nhạy thời cơ khai thác kỷ nguyên “web 2.0” (web phiên bản 2.0), một thuật từ phổ biến hiện nay chỉ sự bùng nổ tiếp theo của Internet.

Nhìn ở góc độ đời sống xã hội đó là việc tận dụng tối đa sự phối hợp kỹ thuật số. Ngoài ra, Cyworld còn cho thấy Hàn Quốc đang tiếp tục thắng đậm trên mặt trận xuất khẩu văn hóa.

Và đó mới thật sự là điều đáng nói khi đề cập đến tiềm năng nội lực trong bảo vệ và phát triển nền văn hóa bản địa trong kỷ nguyên hội nhập.

Mạnh Kim

Theo NLĐO
  • 1.224