Đám mây rơi từ trên trời xuống đất khiến ai nấy ngỡ ngàng, là hiện tượng gì?

  •   4,73
  • 781

Không phải là mây biến thành mưa rơi xuống mặt đất, mà thực sự là một đám mây đã lững lờ rơi xuống mặt đất, khiến những người nhìn thấy đều không tin nổi vào mắt mình. Cư dân mạng còn cảm thấy như đây là một “phép thuật” vậy. Thực ra hiện tượng này là gì?

Có rất nhiều hiện tượng thú vị hoặc kỳ lạ xảy ra với những đám mây trên bầu trời, nhưng còn mây rơi từ trên trời xuống mặt đất thì sao?

Nghe cứ như thể trong truyện kỳ ảo, khi các nhân vật cưỡi mây rồi đáp xuống mặt đất, nhưng hiện tượng này thực sự đã xảy ra khiến ai chứng kiến cũng ngạc nhiên và ngỡ ngàng.


Đám mây rơi xuống đất.

Đoạn video này mới được đăng trên mạng xã hội đã thu hút gần 600.000 lượt xem và hàng chục nghìn lượt thích. Trong đó, có một đám mây nhỏ thực sự rơi từ trên cao xuống đất.

Những người trực tiếp nhìn thấy hiện tượng này đều rất ngạc nhiên. Một số người mặc đồng phục đã vội vã chạy đến chỗ đám mây “hạ cánh”.

Ngay cả khi đã ở trên mặt đất, đám mây vẫn không tan ra mà đứng yên, trông như một miếng kẹo bông khổng lồ. Vì vậy, ngày càng nhiều người chạy đến xem, họ bắt đầu đứng quanh bàn tán, có người còn định ôm đám mây lạ.

Một số người chạm vào "đám mây".
Đám mây bí ẩn rơi từ lưng chừng trời xuống mặt đất. (Ảnh: Update Info).

Một số người chạm vào "đám mây".
Một số người chạm vào "đám mây". (Ảnh: Update Info).

Một số trang tin đã xác nhận sự việc và cho biết hiện tượng này xảy ra ở một khu khai thác mỏ tại tỉnh Central Kalimantan (Indonesia).

Theo trang VOI của Indonesia, ông Andri Ramdhani, giám đốc cơ quan khí tượng Indonesia, cho rằng thứ trong video không phải là một đám mây tự nhiên, mà khả năng lớn là hơi nước ngưng tụ hoặc khí gì đó do hoạt động của con người ở khu vực khai thác mỏ. Cụ thể, “đám mây” đó có thể được tạo thành vì các hoạt động khai thác xả ra một loại khí có áp suất cao, cộng với điều kiện nhiệt độ thấp và độ ẩm cao tại thời điểm đó.

Ông Andri cũng khẳng định, những đám mây tự nhiên không thể rơi xuống mặt đất mà giữ nguyên hình dáng như thế được.

Nhưng hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể rằng loại khí tạo ra “đám mây” đó là khí gì.

Cập nhật: 19/11/2024 hoahoctro.tienphong
  • 4,73
  • 781