Thuật ngữ "Blue moon" mà khoa học ghi nhận để dành cho một hiện tượng hoàn toàn khác.
Hiện tượng mặt trăng màu xanh ngọc ở Nhật Bản.
Dù có một cái tên đầy thơ mộng, nhưng "Trăng xanh" (blue moon) chỉ là hiện tượng một tháng có 2 lần trăng tròn (thông thường chỉ có 1 lần vào ngày 15 âm lịch). Và nó cũng không hề có màu xanh, mà là màu xám trắng như trăng thông thường.
Thông thường, mỗi năm có 12 kỳ trăng tròn tương ứng với 12 tháng. Nhưng do Mặt trăng quay quanh trái đất trong 29,5 ngày, còn các tháng trong dương lịch có 30 hoặc 31 ngày, nên mỗi năm dương lịch có nhiều hơn 11 ngày so với năm âm lịch.
Vì thế sau khoảng 2-3 năm sẽ có một năm âm lịch với 13 tháng, tương ứng với 13 lần trăng tròn. Dân gian gọi lần mọc thứ 13 đó là "trăng xanh".
Trăng xanh chụp tại Thanh Hóa (2012). (Nguồn ảnh: Wikipedia).
Trên thế giới, người ta vẫn sử dụng thuật ngữ "blue moon" để chỉ trường hợp Mặt trăng thực sự biến thành màu xanh. Ví dụ như vào năm 1950 - 1951, người dân Thụy Điển và Canada đã được mục kích hiện tượng này.
Thời điểm ấy, 2 quốc gia đều xảy ra những vụ cháy rừng cực lớn, đẩy một lượng khói không nhỏ vào khí quyển. Các phân tử trong khói đã khiến cho ánh sáng đỏ và vàng bị tán sắc, tạo ra màu xanh cho Mặt trăng.
Trăng có thể hóa xanh nếu có đủ điều kiện. (ảnh minh họa).
Các vụ núi lửa phun trào cũng có thể tạo ra trăng xanh. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng cực hiếm, vì các phân tử trong khói, bụi cần phải đạt kích cỡ khá chuẩn xác mới tạo ra được hiện tượng này.
Giờ quay lại hiện tượng trăng xanh ngọc tại Nhật Bản. Trên thực tế thì đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có kết luận chính thức về tính xác thực hoặc lý do đã tạo ra hiện tượng này. Thậm chí, cũng chưa có gì đảm bảo đó thực sự là trăng, hay là một vật thể gì khác xuất hiện trên bầu trời.
Ngoài ra có ý kiến cho rằng, đây đơn giản chỉ là hiệu ứng Lens Flare - hiện tượng loé sáng do góc máy chọn khung hình với ánh sáng trực tiếp đi vào ống kính mà thôi.