Charles Darwin cho rằng loài gà nhà có nguồn gốc từ một loài gà rừng đỏ, nhưng công trình nghiên cứu của Đại học Uppsala cho thấy nguồn gốc hoang dã của loài gà phức tạp hơn nhiều.
Các nhà nghiên cứu đã hệ thống các nhóm gien khiến cho phần lớn gà nhà có chân màu vàng và ngạc nhiên khi phát hiện chúng di truyền từ một loài họ hàng gần, loài gà rừng xám. Công trình được đăng tải trên ấn bản trực tuyến của Genetics.
Jonas Eriksson, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Uppsala, phát biểu: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mặc dù phần lớn nhóm gien ở gà nhà đến từ loài gà rừng đỏ nhưng ít nhất chúng cũng xuất phát từ những loài khác, trong đó có loài gà rừng xám.”
Rất có khả năng là loài gà rừng xám lai với tổ tiên của loài gà nhà. Gien màu da vàng hiện diện trên hàng tỉ chú gà nhà trên toàn thế giới. Nghiên cứu của Darwin về động vật thuần hóa là chìa khóa cho thuyết tiến hóa của ông, và ông cũng giải thích nguồn gốc hoang dã của động vật thuần hóa.
Greger Larson, nghiên cứu tại Đại học Uppsala và Đại học Durham ở Anh, cho biết: "Điểm thú vị ở đây là Darwin cho rằng chó có nhiều hơn một loài tổ tiên hoang dã nhưng gà nhà chỉ có một tổ tiên là gà rừng đỏ. Giờ đây khả năng này ngược lại hoàn toàn.”
Màu chân vàng có thể do chế độ ăn: Nếu trong khẩu phần càng nhiều chất caroten, thì chân gà sẽ có màu vàng đậm hơn. Nhóm gien các nhà khoa học vừa xác định được tạo nên một loại enzyme có khả năng phá vỡ các carotene và phóng thích vitamin A. Loại gien này không hoạt động trong tế bào da nhưng lại rất tích cực ở các mô khác ở gà chân vàng. Hệ quả là chất caroten được giữ lại trong da ở loại gà này. Điều đó được gọi là biến dị gien điều tiết vì chuỗi mã hóa của gien được giữ nguyên, nhưng quá trình điều tiết bị biến đổi.
Giáo sư Leif Anderson, điều hành dự án, phát biểu: “Nghiên cứu của chúng tôi là một ví dụ về tầm quan trọng của biến dị gien điều tiết trong quá trình tiến hóa. Chúng tôi chỉ không hiểu vì sao con người lại thích thú trước đặc điểm này. Có lẽ gà có màu vàng sáng được cho là khỏe mạnh và sinh sản tốt hơn những loài gà khác, hoặc đơn thuần là con người thích thú trước vẻ ngoài khác biệt của chúng.”
Các nhà khoa học tin rằng nhóm gien tương tự có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích màu hồng ở loài hồng hạc, màu vàng của nhiều loài chim săn mồi và màu đo đỏ của thịt cá hồi. Những đặc điểm đó đều do chất caroten tạo nên. Gien này cũng có thể ảnh hưởng lên da người ở một mức độ nhất định.