Trên vách núi đá vôi chênh vênh ở rừng già Cúc Phương, phát hiện bộ xương hóa thạch tương đối nguyên vẹn của loài Bò sát răng phiến đến từ khoảng hơn 230 triệu năm trước đây. Cho đến khi loài vật cổ xưa này được phát hiện ở Cúc Phương, trên thế giới, chúng chỉ mới được biết đến ở châu Âu và Trung Đông (Israel). Và, hóa thạch đó đã được đề xuất xếp hạng là Di sản địa chất cấp quốc gia đặc biệt.
Hành trình tìm loài động vật tối cổ trong rừng già
Anh Lập, Trưởng phòng Khoa học và anh Hòa, người dân địa phương, từng 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm của vườn, nai nịt dao rừng, tất giày chống vắt từ 5 giờ sáng; cơm đùm cơm nắm, nước non, thậm chí đã được chị Hà, nhà bếp của vườn lục tục chuẩn bị từ lúc 4 giờ. Vườn, hiện cũng chỉ có hai anh cán bộ này là có thể dẫn đường vào với khu vực có hóa thạch kia thôi. Một hành trình leo núi đá vôi, đá phún tai mèo sắc nhọn cực nhọc.
Chúng tôi đi nhiều giờ qua những thung lũng cây cổ thụ đường kính tới 1,5-2 mét. Cơn bão số 7 vừa nhẫn tâm kéo mình qua Cúc Phương, những gốc cây cổ thụ bị bật gốc, kéo theo một khối đất khổng lồ bám xung quanh mớ rễ lớn của nó, tôi và anh Lập kéo thước dây ra đo: đường kính khối rễ rộng 6 mét!
Vào sâu trong lõi rừng, chúng tôi gặp những vùng núi đá mênh mông, cây cổ thụ bò mớ rễ ngoằn ngoèo như mãng xà trên địa hình độc chiếm của đá vôi lún phún sắc nhọn (không hề có một lọn đất), trong bóng tối nhờ nhờ của rừng nguyên sinh. Nơi này, đúng là giả sử có tiết lộ rồi đánh đố cũng chẳng ai biết đường đi lối lại mà xâm hại "di sản địa chất cấp quốc gia đặc biệt" được đâu. Tôi nói vậy anh Lập, anh Hòa cùng thở dốc nói "đúng quá".
Anh Hòa là người xứ Mường Nho Quan, ít nói, leo rừng như sơn dương. Leo vách đá như khỉ đến đúng 12 giờ trưa thì tôi không cất nổi bước chân mình nữa. Vừa quẳng con dao rừng ngồi xuống một vách đá cao vọi, rộng và phẳng như một tấm bia, anh Hòa tủm tỉm: "Đến chỗ hóa thạch khủng long (anh em vẫn thường gọi nôm na như vậy) rồi đấy. Tôi đố anh biết nó ở góc nào?".
Bức tường đá tự nhiên dễ cao bằng mặt phẳng lỳ ốp đá rửa phía hông của một cao ốc 7 tầng. Giữa trưa mà ánh sáng mặt trời quá ngọ chỉ le lói được ở đâu đó trên các vòm lá tối bưng thôi. Anh Lập, sở hữu những chiếc máy ảnh hiện đại, cũng phải thở dài: "Ảnh chụp khu vực có hóa thạch Bò sát răng phiến này bao giờ cũng rất xấu vì thiếu sáng!".
Tôi vừa rờ, vừa cố phán đoán dựa vào câu chuyện đã được Giám đốc vườn Quốc gia Cúc Phương, ông Trương Quang Bích, kể: Bộ xương hóa thạch gây sửng sốt giới khoa học đã được một anh nông dân bị câm bẩm sinh phát hiện. Anh này tên là Biên, nhà ở xóm Ao Lươn, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, cách vườn độ 3 kilômét.
Hôm ấy, lò dò theo người ta vào rừng kiếm măng, kiếm nấm chống đói (anh ta chẳng có vợ con gì). Khi mọi người đi rừng ngồi nghỉ, người ta bàn tán xôn xao đủ thứ chuyện trên đời còn anh câm cứ lặng lẽ tỉ mẩn bẻ que, vặt nấm vàng vàng đỏ đỏ chơi với... núi.
Bỗng dưng, anh ta thấy một cái gì ẩn mình trong vách đá, càng nhìn càng giống một bộ xương cá lớn, từng đốt xương rất rõ ràng. Anh cố cạy ra thì không thể được, nó đã là một phần của khối đá khổng lồ mát lạnh. Bên cạnh khối đá là rất nhiều hang hốc lớn. Mùa mưa về, có lần đi qua, anh Biên đã nghe nước lũ gầm réo trong lòng đá, trong lòng đất hang hốc tối om đó. Ném bao nhiêu đá hay gỗ mục xuống cũng mất hút.
Ngửa mặt lên bức tường đá cao vòi vọi, anh Biên câm tự dưng cảm nhận được một điều gì đó bất thường. Anh cùng đoàn "lâm tặc" (cứ vào Vườn Quốc gia trái phép là lâm tặc) lặng lẽ trở về. Tối, anh lên gặp lãnh đạo vườn, anh chỉ trỏ mãi chẳng ai hiểu, rồi anh đòi giấy bút ra để "bút đàm" (anh Biên cũng từng được đi học vài năm). Đọc chữ anh câm xong, anh em làm khoa học của Vườn lập tức theo anh kéo áo lên đường vào rừng.
Nhận được tin báo, ngay lập tức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu phải làm rõ, tôn vinh giá trị khoa học và du lịch của loài hóa thạch tối cổ. Người đam mê nhất với mẫu hóa thạch này phải kể đến phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Trịnh Dánh, bấy giờ là Viện trưởng Viện Thông tin lưu trữ, Bảo tàng Địa chất. Ông Dánh đã nhiều lần vào Cúc Phương nghiên cứu (các chuyên gia Mỹ, Nhật cũng từng vào), rồi dẫn chuyên gia vào tính chuyện làm phiên bản mang ra khỏi rừng.
Nhưng, điều đó đã không thực hiện được. Bởi rừng quá sâu, cõng thạch cao, nước và đưa chuyên gia vào hết sức vất vả đã đành; lại thêm điều kiện đổ khuôn hóa thạch trên vách núi, trong điều kiện không có ánh sáng mặt trời. Các chuyên gia dọn dẹp thạch cao hỏng mẫu vào một góc núi rồi lếch thếch trở về. Đó cũng là lúc rừng đêm khép lại, tiếng con nai tác liên hồi trên đỉnh núi bí ẩn. Bức thành đá, điệp trùng đá và cây cổ thụ lại cùng với loài bò sát răng phiến cổ sinh chìm trong giấc ngủ. Nó đã ngủ như thế hơn 230 triệu năm rồi. Cũng chẳng nên tranh luận mấy trăm triệu năm đã trôi qua giấc ngủ của loài bò sát ẩn xương trong đá núi làm gì, thì cứ cho là 100 triệu năm đi. Một trăm triệu năm là bao nhiêu triệu kiếp người?
Tài liệu đã được các chuyên gia hàng đầu chính thức công bố như sau: "Qua tra cứu văn kiện thích hợp và so sánh mẫu vật" trên thế giới, thì có thể sơ bộ xác định hóa thạch này là Placodontia (Bò sát răng phiến)", "hóa thạch lộ ra trong đá vôi lớp dày thuộc hệ tầng Đồng Giao tuổi Trias giữa (T2) - tức là cách đây khoảng hơn 230 triệu năm (Tài liệu được chính thức công bố bởi tập thể các nhà nghiên cứu: Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Trịnh Dánh; giáo sư tiến sĩ Herbert H.Covert - Đại học Calorado, Hoa Kỳ; Phó giáo sư, tiến sĩ Mark W.Hamrick - Đại học Keng State - Ohio, Hoa Kỳ; Kevin C.Mckinney - Sở Địa chất, Hoa Kỳ...).
Tôi, anh Lập và Hòa cùng giở cơm nắm ra ăn ngay dưới chân vách đá có hóa thạch Bò sát răng phiến. Hóa thạch nằm khiêm tốn trong rêu xám, đá xám của vách núi, ở độ cao khoảng 3 mét so với mặt đất rừng chỗ ấy. Đây là hóa thạch Bò sát răng phiến đầu tiên được phát hiện ở Đông - Nam Á. Nó gồm 12 đốt sống nguyên vẹn, có hình viên trụ, thót giữa, mặt lõm sâu; và 10 đoạn xương sườn, cùng một số xương khác. Tại sao loài bò sát này lại nằm ở vách đá chênh vênh ấy thay vì nằm dưới mùn đất hay trong núi đất như các "mộ táng" khác?
Vào kỷ Trias giữa, nơi đây là một vùng biển nông ven bờ với sự hiện diện của Bò sát răng phiến. Sản phẩm của thời kỳ địa chất này là các đá vôi với các hóa thạch biển nông ven bờ, trong đó có Bò sát răng phiến. Trải qua các hoạt động của vỏ trái đất, các lòng đá vôi này bị nâng lên, uốn nếp, vò nhàu... Do vậy khối đá đang "thạch táng" loài Bò sát răng phiến cổ xưa bị vỡ, trơ ra một nửa bộ xương bò sát trên vách đá (như hiện nay). Cứ thế, hàng trăm triệu năm trôi qua, đến một ngày, có một anh tên là Biên phát hiện ra sự tồn tại của Bò sát răng phiến hóa thạch trên vách đá.
Di cốt của Bò sát hơn 230 triệu năm tuổi đã nói lên rằng: vào thời kỳ đó, Bò sát răng phiến đã lan tới tận Việt Nam chứ không chỉ có ở châu Âu là Trung Đông (Israel) - như thế giới vẫn tưởng lâu nay. Đây là minh chứng hùng hồn phục vụ nghiên cứu đa dạng sinh học trong quá khứ địa chất; là bằng chứng đóng góp thêm vào việc xác định tuổi địa chất của các đá vôi trong vùng. Nếu tiếp tục mở rộng tìm kiếm, rất có thể chúng ta sẽ còn được sáng tỏ nhiều điều khác nữa.
Phó giáo sư Trịnh Dánh, Chủ nhiệm Đề án "Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam", sau nhiều lần nghiên cứu hóa thạch Bò sát răng phiến ở Cúc Phương đã phát biểu: "Nếu tìm được hộp sọ, và phần xương chậu của hóa thạch Bò sát răng phiến kể trên, chúng ta có thể làm sáng tỏ rất nhiều điều nữa. Bởi, hiện nay, với 18 đốt sống hóa thạch và một số chi tiết nhỏ khác, chỉ mới xác định: hóa thạch ấy đến bộ Bò sát răng phiến (chứ chưa thể xác định được đến giống loài. Tuy nhiên, để hơn 230 triệu năm lên tiếng như thế này là quá kỳ diệu rồi. Hy vọng tìm được một hóa thạch tương tự đã khó, tìm được chính hộp sọ và xương chậu của chính Bò sát răng phiến kia lại càng như mò kim đáy biển!
Cất giấu hóa thạch này đến bao giờ?
Trong Báo cáo kết thúc Đề án "Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam" năm 2004 ông Trịnh Dánh đã kiến nghị Nhà nước xếp hạng 2 di sản địa chất cấp quốc gia đặc biệt cho hóa thạch Bò sát răng phiến ở Cúc Phương và Cảnh quan địa mạo vùng Hương Sơn (Hà Tây). Nhưng hiện tại chưa biết đến bao giờ chúng mới được xếp hạng. Trong lúc chờ đợi, người ta chỉ còn một cách là giấu kín hóa thạch trong rừng già.
Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tổ chức quốc tế muốn đến tận hiện trường tìm hiểu. Xét thấy "vụ" nào thật sự cần thiết thì Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương lại cử cán bộ trực tiếp đưa người ta vào, khá là phiền phức. Còn lại là từ chối. Bởi, theo ông Bích, rất sợ "lộ" ra con đường vào khu vực có hóa thạch Bò sát răng phiến. Đến gỗ trong rừng còn chưa giữ được, huống hồ mấy đốt xương bé nhỏ trên vách đá kia, chỉ một nhát dao hay một cục đá ghè vào là tan tành.
Hiện có nhiều phương án đã và đang được trưng ra để hóa thạch Bò sát răng phiến hơn 230 triệu năm tuổi "lựa thời là một khu bảo tồn địa chất, đồng thời là một công viên địa chất cấp quốc gia, trong đó hóa thạch Bò sát răng phiến là một điểm nhấn. Người xem sẽ được "chứng kiến" các quá trình địa chất đến sự hình thành và phát triển của vỏ trái đất, các hóa thạch, các loại đá, mẫu đá, từng loài động thực vật liên quan; cho đến cả hệ sinh thái hiện nay, cả tập tính của động thực vật, cả bản sắc văn hóa đặc trưng của cư dân cổ trong vùng.
Có thể xây dựng nhà kính ngoài trời nhằm bảo vệ hóa thạch Bò sát răng phiến phục vụ du khách tham quan như ở Mỹ đã làm tại tượng đài khủng long quốc gia. Từ đây, trên một vách núi cao khoảng 20 mét, hàng nghìn xương hóa thạch khủng long được bảo vệ trong Nhà bảo tàng lăng kính. Bên trong nhà kính này, các nhà khoa học vẫn tiếp tục đào bới nghiên cứu nên hàng năm bức tranh hóa thạch khủng long luôn đổi mới.
Để tôn vinh được những di chỉ địa chất một cách xứng đáng, chúng ta cần phải có cách đối xử xứng đáng với những sứ giả thú vị đến từ xa xưa thời kỳ hình thành và phát triển của vỏ trái đất. Trên thế giới hiện có hệ thống công viên địa chất toàn cầu đặt trụ sở tại Trung Quốc.
Ở nước ta, Đề án "Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam" lần đầu tiên được đề xuất Đề án hoàn thành đã nêu lên được tiềm năng di sản địa chất của Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra cụ thể 20 di sản và 15 khu bảo tồn địa chất có tính khả thi để bước đầu xây dựng. Nhưng hiện nay mọi việc đang ngừng lại ở báo cáo kết thúc. Đề án do giáo dư Dánh chủ biên đã được phê duyệt nộp vào Cục Lưu trữ địa chất. Vì mọi công việc còn ở phía trước thì ông tiến sĩ khoa học Trịnh Dánh đã nghỉ hưu theo chế độ. Còn những người làm du lịch, những người có thể tôn vinh các di sản địa chất thì "họ có cái khác để quan tâm rồi". Các thủ tục để được công nhận các di sản địa chất, trong đó có di sản địa chất quốc gia đặc biệt cho hóa thạch Bò sát răng phiến vẫn bỏ đó. Ý tưởng xây dựng ba công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam gồm: Ghềnh đá đĩa Tuy An (Phú Yên); Bazan dạng cột ở Ba Làng An (Quảng Ngãi); Bazan cột thác Trinh Nữ (Đắk Nông) - cũng nằm chờ trên giấy.
Theo An ninh thế giới