Đi tìm nguyên nhân vì sao một số người nổi da gà khi nghe nhạc, số khác thì không

  •   44
  • 4.690

Nổi da gà khi nghe nhạc là một phản ứng thường thấy. Nhưng có người được trải nghiệm, người thì không. Tại sao vậy?

Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác lạnh sống lưng, da gà, lông tóc dựng ngược khi nghe một nhạc phẩm kinh điển, với giai điệu đi vào lòng người chưa?

Cảm giác đó được gọi là "rùng mình" - frission, và âm nhạc cũng chính là nguyên nhân phổ biến nhất kích hoạt được cảm giác này. Theo nhiều nghiên cứu, có tới 2/3 dân số thế giới đã được trải nghiệm cảm giác nổi da gà khi nghe nhạc.

Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là tại sao cùng một bản nhạc mà có người nổi da gà, người thì không? Tiến sĩ - giáo sư Amani El-Alayli thuộc ĐH Đông Washington (Mỹ) đã quyết định thực hiện nghiên cứu để tìm hiểu điều này.

Có tới 2/3 dân số thế giới đã được trải nghiệm cảm giác nổi da gà khi nghe nhạc.
Có tới 2/3 dân số thế giới đã được trải nghiệm cảm giác nổi da gà khi nghe nhạc.

Vì sao chúng ta nổi da gà?

Nguyên nhân trực tiếp gây ra hiện tượng rùng mình, nổi da gà thì vẫn còn gây tranh cãi. Nhưng phần lớn nghiên cứu trong vài thập kỷ gần đây cho rằng chúng ta nổi da gà là nhờ phản ứng cảm xúc trước những kích thích tố từ môi trường.

Một bản nhạc hay thường đi với những giai điệu khó đoán, có sự thay đổi bất chợt về âm lượng, dẫn đến cảm giác rùng mình ở người nghe.

Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thoả mãn, mà muốn tìm hiểu thêm về lý do vì sao khi rùng mình, cơ thể lại nổi da gà nữa.

Một số nhà khoa học tin rằng nổi da gà là những gì còn sót lại của quá trình tiến hoá, cho thấy tổ tiên của loài người là những sinh vật đầy lông lá. Lớp lông này sẽ dựng lên mỗi khi tiếp xúc với khí lạnh, tạo thành một lớp cách nhiệt, ngăn không cho hơi ấm cơ thể thoát ra.

Một người khi đắm chìm trong một bản nhạc hay sẽ có nhiều khả năng nổi da gà nhiều hơn.
Một người khi đắm chìm trong một bản nhạc hay sẽ có nhiều khả năng nổi da gà nhiều hơn.

Nhưng từ khi phát minh ra quần áo, lớp lông dày sẽ trở nên thừa thãi và mất đi. Tuy vậy, cơ chế "dựng lông" thì vẫn còn đó, và nó tồn tại trong phần lớn chúng ta.

Và nó có liên quan gì đến âm nhạc?

Các chuyên gia tin rằng, một người khi đắm chìm trong một bản nhạc hay sẽ có nhiều khả năng nổi da gà nhiều hơn. Đồng thời, điều này sẽ có liên quan đến tính cách của người đó.

Để kiểm tra giả thuyết này, các chuyên gia đã thực hiện một thí nghiệm, trong đó các ứng viên sẽ được nghe lần lượt 5 bản nhạc bất hủ của Chopan, Bach, Air Supply.... Trong lúc nghe, các chuyên gia sẽ theo dõi phản ứng trên làn da của họ.

Nhiều nghiên cứu trước kia cho thấy, mỗi bản nhạc đều có những khoảnh khắc "thiên tài" - từng kích hoạt được sự rùng mình.

Ngoài ra, các ứng viên sau đó được yêu cầu thực hiện một bài kiểm tra tính cách. Và bằng cách so sánh số liệu, các chuyên gia sẽ kết luận được lý do vì sao một số người dễ cảm thấy rùng mình hơn người bình thường.

Nguyên nhân là vì tính cách?

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên cảm thấy rùng mình khi nghe nhạc cũng đạt điểm cao trong bài kiểm tra tính cách.

Những người thực sự đắm chìm vào âm nhạc có xu hướng nổi da gà nhiều hơn.
Những người thực sự đắm chìm vào âm nhạc có xu hướng nổi da gà nhiều hơn.

Cụ thể hơn, những người thực sự đắm chìm vào âm nhạc sẽ dễ nổi da gà hơn. Và theo như bài kiểm tra tính cách, người đó thường có một trí tưởng tượng phong phú, một tâm hồn yêu cái đẹp và thiên nhiên, luôn hướng đến những trải nghiệm mới, sống thiên về cảm xúc, và yêu thích nhiều thứ trong cuộc sống.

Những người còn lại không hẳn là không yêu cái đẹp. Chỉ là họ sống thiên về lý trí nhiều hơn, và ít khi thấy cảm xúc thăng hoa khi thưởng thức một nhạc phẩm hay.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychology of Music.

Cập nhật: 26/10/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 44
  • 4.690