"Việc lây lan dịch hô hấp cấp MERS-CoV tương tự như SARS năm 2003 tuy nhiên tốc độ lây lan nhanh hơn so với dịch SARS", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin.
Chiều tối 3/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài để kiểm tra hệ thống giám sát y tế trước nguy cơ dịch hô hấp cấp MERS-CoV có thể xâm nhập vào Việt Nam.
Theo ông Long, tình hình dịch MERS-CoV đang rất đáng quan ngại, rất dễ lây lan vào Việt Nam. Hiện số lượng ca mắc tại Hàn Quốc tăng rất nhanh lên 30 người, trong đó 2 trường hợp tử vong (thêm 5 trường hợp chỉ sau 1 ngày).
"Việc lây truyền MERS-CoV không phải từ ca đầu tiên mà đã xuất hiện cả những ca bệnh tiếp xúc với ca thứ 2, tức thế hệ thứ 3. Như vậy việc lây truyền có vẻ dễ dàng hơn so với chúng ta nghĩ", ông Long lo lắng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra hệ thống giám sát thân nhiệt tại sân bay Nội Bài
Ông Long cho hay, khi đánh giá lại tình hình, Bộ Y tế nhận thấy MERS-CoV đang lây lan tương tự như SARS năm 2003 ở Việt Nam, khi đó phát hiện ca đầu tiên tại bệnh viện Việt Pháp, sau đó lan ra các nhân viên y tế và bệnh nhân. Tuy nhiên tốc độ MERS-CoV lây lan nhanh hơn so với SARS.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là việc phát hiện ca bệnh đầu tiên vì triệu chứng ban đầu rất giống với biểu hiện các bệnh đường hô hấp thông thường khác.
Do đó, nếu như trước đây Việt Nam chỉ giám sát những trường hợp nhiễm trùng nặng thì hiện tại sẽ mở rộng hơn. Theo đó chỉ cần hành khách có triệu chứng đường hô hấp, cộng thêm yếu tố tiền sử đi lại từ các vùng có dịch là sẽ đã đưa vào diện giám sát để có thể xét nghiệm.
"Người dân không nên quá lo lắng. Chúng tôi đang triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khống chế và kiểm soát một cách kịp thời. Chúng ta đã có những bài học rất thành công từ việc khống chế dịch SARS và một số dịch khác nên chúng tôi tin rằng chúng ta có thể kiểm soát", Thứ trưởng Bộ Y tế trấn an.
Ông Long cho biết thêm, từ 2014, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch để ngăn chặn MERS-CoV với 3 tình huống. Với mỗi tình huống đều đưa ra kế hoạch, hoạt động rất chi tiết. Bộ cũng đã ban hành phác đồ giám sát, phòng chống, chẩn đoán, điều trị MERS-CoV. Mới đây, các cơ quan chuyên môn cũng đã tiến hành rà soát lại các phác đồ này một lần nữa.
"Mặc dù MERS-CoV ở Hàn Quốc tăng nhanh nhưng chúng ta cũng không quá bất ngờ vì tất cả phương án đã được triển khai từ 2014 trở lại đây", ông Long khẳng định.
Tại Nội Bài, chính thức từ trưa 3/6, tờ khai y tế đã được áp dụng đối với tất cả các hành khách từ Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Trước đó, tờ khai cũng đã được áp dụng với các hành khách từ Trung Đông và một số nước có dịch Ebola. Trung bình mỗi ngày sân bay Nội Bài đón 10 chuyến với khoảng 2.000 khách đến từ những quốc gia này.
Trước băn khoăn về thời gian ủ bệnh của MERS-CoV rất dài, máy đo thân nhiệt không thể phát hiện triệt để, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu giải thích, sốt có thể nhiều bệnh nhưng nếu sốt mà đi về từ vùng có dịch thì phải nghi ngờ, phải xét nghiệm lấy mẫu.
Mẫu tờ khai y tế được phát cho các hành khách di chuyển từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Mặt sau tờ khai được in bằng tiếng Anh
"Ngoài máy đo thân nhiệt, chúng ta còn tờ khai y tế. Trong hàng nghìn hành khách như vậy, dựa vào đó an ninh tại cửa khẩu đã lưu được danh sách. Nếu dương tính, chúng ta có thể quay trở lại để biết được đã tiếp xúc với những người nào", ông Phu nói thêm.
Ông Phu dẫn chứng, Hàn Quốc đang phải điều tra tất cả những người đã tiếp xúc với bệnh nhân với con số lên tới gần 700 người.
Ngoài thông tin họ tên, quốc tịch, mẫu tờ khai y tế yêu cầu hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải ghi chi tiết số hiệu chuyến bay, số ghế, địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên hệ tại Việt Nam cũng như các triệu chứng nghi ngờ.
Để lên phương án phòng chống dịch, Bộ Y tế đã yêu cầu tất các các cửa khẩu hàng không, đường bộ, cảng biển đều phải áp dụng tờ khai y tế cũng như kiểm soát thân nhiệt.
Giường bệnh tại phòng cách ly ở sân bay Nội Bài
Hiện tại, hệ thống máy đo thân nhiệt cùng buồng cách ly, thuốc, trang thiết bị cùng lực lượng kiểm dịch tại sân bay Nội Bài đã sẵn sàng 24/24. Trường hợp phát hiện nghi ngờ sẽ được cách ly và chuyển về bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để giám sát, chẩn đoán và điều trị.
Ngày 3/6, Thủ tướng Chính Phủ có công điện hỏa tốc yêu cầu Bộ Y tế cùng các Bộ ngành liên quan bám sát dịch MERS-CoV và lên phương án chủ động phòng chống dịch.
Công điện nêu rõ, dịch bệnh MERS-CoV đang bùng phát tại 9 quốc gia vùng Trung Đông và đã lan đến 17 quốc gia khác, trong đó đáng chú ý có những quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines với 1.179 trường hợp mắc trong đó có 442 trường hợp tử vong. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiếp xúc gần hoặc nước bọt.
Nhằm chủ động kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh MERS-CoV để thông báo kịp thời về tính nguy hiểm, nguyên nhân lây bệnh, cách thức lan truyền và phương pháp phòng, chống dịch cho nhân dân; đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam để chủ động lên kế hoạch phòng, chống.
Các Bộ: Ngoại giao, Công an, GTVT, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, VH-TT&DL, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở kế hoạch phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV của Bộ Y tế, có kế hoạch triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV lây nhiễm vào Việt Nam.
Bộ Y tế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV tại các cửa khẩu cũng như hướng dẫn, tập huấn, diễn tập việc theo dõi, cách ly y tế, chăm sóc y tế đối với các trường hợp mắc MERS-CoV tại các cửa khẩu cũng như tại địa phương nhằm chủ động chống dịch, ngăn chặn lan rộng ra cộng đồng và chạn chế thấp nhất tử vong và số người mắc bệnh trong trường hợp có dịch nhiễm vào Việt Nam.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ VH-TT&DL; Bộ LĐ-TB&XH khuyến nghị người dân không nên đi đến các vùng đang có dịch bệnh MERS-CoV cũng như những trường hợp đang ở vùng dịch có nhu cầu đến, hoặc trở về Việt Nam.
Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế.