Bệnh sởi lây truyền nhanh qua đường hô hấp, nhất là khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho làm bắn nước bọt vào không khí, người lành hít vào rất dễ lây.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) cho biết, sởi là bệnh do virus gây ra, thường gây biến chứng ở trẻ nhỏ. Bệnh thường gặp ở người chưa có miễn dịch do chưa chủng ngừa đầy đủ và chưa mắc bệnh sởi lần nào, rất hiếm gặp ở người đã có chủng ngừa.
Bệnh sởi lây truyền rất nhanh, nhất là trong trường hợp người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho làm bắn những giọt nước bọt vào không khí, người lành hít vào qua miệng hoặc mũi sẽ bị nhiễm bệnh. Người bệnh phát tán virus ra môi trường xung quanh từ thời kỳ ủ bệnh (trước khi phát ban vài ngày) và kéo dài đến 5-7 ngày sau khi ra ban.
Bên cạnh đó, những người chăm sóc bệnh nhân sởi hoặc tiếp xúc với mầm bệnh mà không rửa tay diệt khuẩn cũng có thể làm lây lan virus sang người khác.
Sởi đặc biệt dễ lây lan và trở thành dịch nếu không kịp thời cách ly bệnh nhân. Trong gia đình nếu có một người bị bệnh thì đa phần người chưa có miễn dịch còn lại sẽ bị nhiễm. Riêng đối với trẻ sơ sinh đã có được kháng thể miễn dịch từ người mẹ truyền sang thông qua nhau thai. Lượng kháng thể này có thể tồn tại từ 4 đến 6 tháng, thậm chí nhiều nghiên cứu cho thấy kháng thể từ mẹ có thể bảo vệ trẻ đến tháng thứ 9 sau khi sinh. Do vậy trẻ ít khi mắc bệnh trong giai đoạn này. Đây là lý do ngành y tế khuyên cáo nên tiêm chủng ngừa sởi cho trẻ từ 9 tháng đến trước 12 tháng tuổi.
Sởi thường kéo dài 7–10 ngày. Trẻ mắc bệnh thường sốt cao 39-40 độ C, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt, bỏ ăn. Người lớn và trẻ lớn triệu chứng sẽ rầm rộ hơn, kèm theo đau đầu, đau cơ.
Phát ban xuất hiện sau 4–5 ngày sốt, ho. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính khoảng 1-2 mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Ban mọc theo thứ tự từ sau tai, mặt, thân và lan dần xuống chân. Sau khi mọc ban, người bệnh còn ho và sốt cao cho đến khi ban lan đến chân. Sau đó sốt sẽ giảm, ban bay dần theo thứ tự mọc và để lại vết thâm da kéo dài nhiều tuần.
Trẻ em mắc bệnh này thường gặp biến chứng như viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy phân có máu, viêm tai giữa gây chảy mủ tai và đặc biệt là gây suy dinh dưỡng, còi cọc lâu dài. Người lớn và trẻ lớn mắc bệnh sởi có thể bị biến chứng viêm não, viêm cơ tim. Phụ nữ mang thai mắc sởi có thể gây sẩy thai hay gây dị tật cho thai nhi.
Một bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: N.Phương)
Nếu thấy trẻ ho dai dẳng, sốt cao 39-40 độ liên tục trong 2 ngày thì nhiều khả năng bé đã bị sởi. Bệnh này có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt (nếu có sốt), thuốc giảm ho. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu. Cần theo dõi nhịp thở của bệnh nhi, nếu thấy thở nhanh, gấp hoặc kèm theo co giật thì phải mang đến cơ sở y tế địa phương để theo dõi.
Cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân để tránh mắc bệnh cơ hội. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan cho cộng đồng.