Sau 15 năm dày công nghiên cứu, những sự thật về một con tàu ma vùi phân nửa dưới đáy biển dần được hé lộ.
Theo Science Daily, tàu Gloucester, một con tàu chiến hoàng gia, đã mất tích ngày 6-5-1682. Mãi đến năm 2007, 3 thợ lặn - anh em Julian và Lincoln Barnwell cùng bạn họ là James Little - mới tìm thấy nó sau 4 năm theo đuổi cuộc tìm kiếm.
Các nhà khảo cổ, khoa học hàng hải dẫn đầu bởi giáo sư Claire Jowitt từ Trường ĐH East Anglia (UEA) đã nghiên cứu xác tàu.
Các nhà nghiên cứu đang làm việc với con tàu ma chìm ở ngoài khơi vùng biển phía Đông nước Anh - (Ảnh: UEA)
Mô phỏng tàu chiến Gloucester. (Ảnh: Wikipedia)
Theo bản tin của UEA, tàu ma Gloucester đại diện cho sự thay đổi rất lớn của lịch sử chính trị nước Anh thời điểm đó, bởi nó đã mang theo xuống biển sâu vị vua tương lai của nước Anh - Công tước xứ York và Albany James Stuart - ngay giữa một giai đoạn căng thẳng lớn về chính trị và tôn giáo.
"Khi chúng tôi quyết định tìm kiếm Gloucester, chúng tôi không biết nó có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong lịch sử. Chúng tôi đã đọc rằng Công tước xứ York đã ở trên đó nhưng chỉ có vậy" - giáo sư Jowitt nói.
Có nhiều xác tàu mang đại bác khác bủa vây khu vực nên các nhà nghiên cứu đã mất khá nhiều thời gian để xác định danh tính xem đó có thực là Gloucester hay không, đồng thời bảo vệ con tàu ma. Phát hiện này đã không được công khai suốt 15 năm qua.
Các hiện vật trong tàu ma có độ bảo tồn cao, bao gồm quần áo, giày dép, thiết bị định vị và hải quân chuyên nghiệp, nhiều tài sản cá nhân và những chai rượu.
Quý giá nhất là một chai rượu thủy tinh có con dấu biểu trưng cho dòng họ Washington của tổng thống Mỹ đầu tiên.
Dự án nghiên cứu lịch sử đi kèm, được tài trợ bởi Leverhulme Trust, đứng đầu bởi giáo sư Jowitt, sẽ khám phá không chỉ những sai lầm trong điều khiển tàu mà còn cả các thuyết âm mưu về nguyên nhân của thảm kịch, cũng như hậu quả chính trị của nó.
Thảm kịch tác động sâu sắc tới những người sống sót, được coi là một dấu mốc đen tối của lịch sử nước Anh, với khoảng một nửa người đi trên tàu đã thiệt mạng.