Định mệnh của các loài – nạn nhân hay kẻ xâm lấn?

  •  
  • 317

Một nghiên cứu sinh thái do nhà nghiên cứu thuộc đại học Adelaide chỉ đạo sẽ giúp nhận biết các loài dễ bị tuyệt chủng do ảnh hưởng của thay đổi môi trường, và các loài dễ dàng trở thành loài gây hại.

Đây là nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực được công bố trong tuần trên tạp chí trực tuyến uy tín Journal of Ecology thuộc Hội sinh thái vương quốc Anh.

Giáo sư Corey Bradshaw thuộc trường Khoa học trái đất và môi trường thuộc đại học Adelaide, kiêm tác giả chính cho biết: “Nghiên cứu cung cấp bằng chứng xác thực về việc chúng ta có thể chọn bất cứ nhóm loài nào và dự đoán từng loài phản ứng ra sao đối với thay đổi trong môi trường thông qua các sự kiện như thay đổi khí hậu hay mất dần môi trường sống”.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích đặc điểm sinh thái và lịch sử của hơn 8900 loài họ đậu, hay họ thực vật Fabaceae, tìm ra mối tương quan giữa các đặc điểm tiến hóa cũng như tính nhạy cảm đặc biệt đối với một loài đang trở thành mối đe dọa và xâm lấn các loài khác.

Giáo sư Bradshaw cho biết: “Tính cấp bách và quy mô của khủng hoảng đa dạng sinh học đồng nghĩa với việc chúng ta cần các dự đoán tổng quát về khả năng tuyệt chủng hay trở thành kẻ xâm lấn các vùng khác của một loài”.

“Các nghiên cứu trước đây chỉ giới hạn trong việc tìm hiểu một trong những ‘định mệnh’ này một cách riêng lẻ”.

“Phát triển quy luật dựa trên bằng chứng để phân loại các loài chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng tùy theo tính nhạy cảm của chúng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách chọn lựa cách tốt nhất nhằm phân phối nguồn tài nguyên bảo tồn còn hạn chế”.

Theo giáo sư Bradshaw, danh sách “các loài cần cảnh giác” – cả nạn nhân hay những xâm lược – nên được mở rộng dựa trên cấp bậc về “đặc điểm nhạy cảm”. Giáo sư Bradshaw cũng làm việc với Học viện nghiên cứu và phát triển Nam Úc với tư cách là nhà khoa học có thâm niên.

Ông kết luận: “Kết quả chúng tôi thu được có giá trị to lớn ở những môi trường sống bị suy giảm hoặc phân hóa, đặc biệt là khi thay đổi khí hậu có thể cùng một lúc thúc đẩy quá trình phát triển mở rộng của các loài xâm lược đồng thời làm tăng tốc độ tuyệt chủng ở các loài khác”.

Trà Mi (Theo Physorg)
  • 317