Động vật đang dần biến mất, chúng ta có thể làm gì để cứu vãn?

  •  
  • 207

Ô nhiễm không khí, khói bụi, nắng nóng... khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và cuộc sống trở nên bất tiện. Tuy nhiên, các loài động vật đang phải hứng chịu nhiều hơn thế. Nhiều giống loài đang đứng trước sự đe dọa mất đi nguồn thức ăn, thu hẹp môi trường sống, đe dọa tới số lượng. Một số đã tuyệt chủng.

1 độ c và những tác động khủng khiếp đến sinh quyển

Theo thống kê của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nhiệt độ toàn cầu trung bình đã tăng khoảng 1,1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp do các hoạt động của con người. Mỗi thập kỷ trong 4 thập kỷ qua đều nóng hơn khoảng thời gian trước đó kể từ năm 1850.

Tại hội nghị COP26 của Liên Hợp Quốc, các nhà lãnh đạo thế giới nhấn mạnh mức tăng nhiệt vượt ngưỡng 1,5 độ C và hơn thế nữa sẽ khiến tình hình trở nên mất kiểm soát, làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây đe dọa cho toàn bộ sinh quyển trên Trái đất.

Trong khi đó, các nhà khoa học về môi trường cũng đồng thuận khi cho rằng việc vượt qua ngưỡng 1,5 độ C có nguy cơ gây ra các tác động biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn nhiều đối với con người, động vật hoang dã và hệ sinh thái.

Biểu đồ ghi nhận mức nhiệt nóng lên mỗi năm của Trái đất.
Biểu đồ ghi nhận mức nhiệt nóng lên mỗi năm của Trái đất.

Daniela Jacob, nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Khí hậu Đức cho biết Trái đất chưa từng xảy ra tiền lệ, và mọi thứ thậm chí còn đang trở nên khắc nghiệt hơn xưa.

"Chưa bao giờ có hiện tượng Trái đất nóng lên như vậy chỉ trong vài thập kỷ", Jacob nhấn mạnh. "Điều này khiến thời tiết khắc nghiệt hơn và có thể diễn ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn".

Sự khác biệt giữa 1,5 độ C và 2 độ C cũng được xem là rất quan trọng đối với các đại dương và vùng đóng băng của Trái đất. Michael Mann, nhà khoa học tới từ Đại học bang Pennsylvania cho biết, nếu như duy trì ở nhiệt độ tăng 1,5 độ C, con người vẫn có thể ngăn phần lớn băng ở Greenland và phía Tây Nam Cực sụp đổ.

Chưa bao giờ có hiện tượng Trái đất nóng lên như vậy chỉ trong vài thập kỷ

Tất nhiên, điều đó sẽ giúp hạn chế mực nước biển dâng lên 60cm vào cuối thế kỷ 21, dù đó vẫn là một sự thay đổi lớn có thể làm xói mòn các đường bờ biển và làm ngập một số quốc đảo nhỏ và các thành phố ven biển.

Tuy nhiên, nếu tăng quá 2 độ C, các tảng băng có thể sụp đổ hoàn toàn, khiến mực nước biển dâng lên đến 10 mét.

Năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết những cam kết được công bố tại Hội nghị COP26 khẳng định các quốc gia thành viên sẽ cố gắng giữ nhiệt độ nóng lên không quá 1,8 độ C.

Tuy nhiên, những viễn cảnh Trái đất nóng hơn 2 độ C, hay thậm chí là 3 độ C đã được các nhà khoa học tính đến.

Theo đó, nếu nhiệt độ ấm lên 2,7 độ C sẽ mang lại "một mùa nóng không thể tồn tại" trên khắp các khu vực của vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cùng với đó, sự đa dạng sinh học sẽ bị cạn kiệt nghiêm trọng, an ninh lương thực giảm mạnh và thời tiết khắc nghiệt sẽ vượt quá khả năng đối phó của hầu hết các cơ sở hạ tầng đô thị.

Theo Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật (IFAW) những mối đe dọa đáng kể nhất do khí hậu gây ra đối với động vật hoang dã bao gồm việc chúng mất môi trường sống, cũng như dẫn tới xung đột leo thang giữa con người và động vật.

Và tất nhiên, nhiều loài động vật sẽ đối mặt với một hệ lụy tất yếu - đó là sự tuyệt chủng, nếu như chúng ta không kịp thời can thiệp.

Nhiều loài động vật gia nhập danh sách bị đe dọa

Các loài vật đã và đang chịu tác động bởi sự biến đổi khí hậu do con người gây ra, và sự khởi phát nhanh chóng của nó đang hạn chế khả năng thích nghi với môi trường của nhiều giống loài.

Theo IUCN, biến đổi khí hậu hiện đang ảnh hưởng đến ít nhất 10.967 loài bị đe dọa trong Danh sách Đỏ, với việc làm tăng khả năng tuyệt chủng của chúng.

Vào năm 2019, Melomys rubicola - một loài gặm nhấm họ Chuột, đã trở thành loài động vật có vú đầu tiên được báo cáo đã tuyệt chủng do hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.


Melomys rubicola - loài động vật có vú đầu tiên được báo cáo đã tuyệt chủng (Ảnh: Nature).

Trước đây, những cá thể của giống loài này chỉ được tìm thấy trên đảo Bramble Cay ở Rạn san hô Great Barrier. Tuy nhiên, môi trường sống của nó đã bị phá hủy hoàn toàn do mực nước biển dâng cao, mà tác nhân chính đến từ hiện tượng băng tan chảy ở hai vùng cực.

Băng tan chảy cũng khiến những loài sống ở vùng lạnh giá phải "điêu đứng". Riêng ở Bắc cực, đã có tới 17 loài đứng trước mối đe dọa tuyệt chủng. Bên cạnh gấu trắng Bắc cực (Ursus maritimus) là nạn nhân "quen thuộc" trong suốt hàng thập kỷ qua, nhiều nhóm động vật khác sống tại khu vực này cũng chịu chung số phận, từ sinh vật phù du cho tới các loài cá voi.

Mới đây, chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri) đã được đưa vào danh sách những loài bị đe dọa. Theo Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ (USFWS), do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến lượng băng biển bị mất đi, số lượng loài chim này được cảnh báo sẽ giảm "một phần đáng kể" trong tương lai gần, cụ thể là khoảng 26% vào năm 2050. Tuy nhiên, con số này sẽ tăng lên thành 50% nếu lượng phát thải carbon ở mức quá cao.

Trong trường hợp xấu nhất, 98% quần thể chim cánh cụt hoàng đế có thể biến mất vào năm 2100, khiến các nỗ lực để phục hồi chúng trở nên cực kỳ khó khăn, hay thậm chí bất khả thi.

Ở khu vực đáy biển, san hô từng đóng vai trò là một trong những hệ sinh thái đa dạng về sinh học, thì nay là nhóm loài suy giảm nhanh chóng nhất do sự "tẩy trắng" hàng loạt, dịch bệnh và nhiệt độ đại dương tăng cao.

Các nhà khoa học khí hậu tại Đại học bang Pennsylvania cho biết nhiệt độ nóng lên 1,5 độ C sẽ phá hủy ít nhất 70% số lượng các rạn san hô, và nếu chạm tới ngưỡng 2 độ C, 99% rạn san hô sẽ biến mất.

Điều này sẽ dẫn tới hệ lụy tất yếu là phá hủy môi trường sống của hầu hết các loài cá và cộng đồng sinh vật sống dựa vào các rạn san hô để kiếm thức ăn, cũng như sinh kế.

Rùa biển cũng là một trong những loài chịu sự đe dọa trực tiếp của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đó là bởi nếu trứng của một con rùa được ấp dưới 27 độ C, nó sẽ nở ra con đực. Và nếu ấp trên 31 độ C, nó sẽ thành con cái.

Thông thường, nhiệt độ dao động tự nhiên giữa 2 thái cực sẽ đảm bảo cho loài này vừa có đực vừa có cái. Tuy nhiên trước hiện tượng nóng lên bất thường trong mùa hè qua, rùa biển đối mặt nguy cơ "tận diệt" từ trong trứng, khi tất cả con non nở ra đều là cá thể cái.

Chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn thảm họa?

Nỗ lực bảo tồn cho các giống loài và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi một cách tiếp cận bao gồm đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, bảo tồn và đảm bảo môi trường sống, từ đó giúp các loài động vật thích nghi.

Trong đó, thiết thực nhất có lẽ là giảm lượng khí thải CO2 thông qua hạn chế sử dụng ô tô cá nhân (ước tính giảm khí thải 2,4 tấn/năm), ăn nhiều rau quả (giảm 0,8 tấn/năm), hạn chế đi lại bằng máy bay (giảm 1,6 tấn/năm), sinh đẻ ít con (giảm trung bình 58,6 tấn/năm).

Trên đây là những giải pháp làm giảm phát thải khí CO2 đã được các nhà khoa học nêu ra sau khi phân tích 39 nghiên cứu trong các tạp chí khoa học và báo cáo của chính phủ nhiều nước trên thế giới.

Mối đe dọa tuyệt chủng từ biến đổi khí hậu đối với các giống loài trên Trái đất.
Mối đe dọa tuyệt chủng từ biến đổi khí hậu đối với các giống loài trên Trái đất.

Bên cạnh đó, hiện nay người ta còn đề xuất một số phương án nhằm giảm thiểu phát thải khí CO2 khác như: sử dụng rong biển để hấp thụ CO2 từ không khí, trồng rừng, sử dụng năng lượng sạch, nâng cao hiệu quả chiếu sáng,…

Ngoài việc giảm lượng khí thải, chúng ta cũng được khuyến khích tham gia các hoạt động thiện nguyện vì môi trường, giúp đỡ thiên nhiên như phục hồi hệ sinh thái, trồng rừng, kiểm soát việc sử dụng đất, tránh làm những tác động tiêu cực đe dọa đến các loài động vật...

Sự chung tay của nhân loại là điều kiện cần để bảo vệ một Trái đất xanh - nơi các giống loài vẫn có thể sống sót và phát triển bình yên, cũng như đảm bảo một tương lai tươi sáng cho Ngôi Nhà Xanh, trong đó có thế hệ con em chúng ta.

Cập nhật: 18/11/2022 Dân Trí
  • 207