Nhằm giảm sự phụ thuộc vào than trong sự bùng nổ về kinh tế của mình, chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng trạm năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới ở một khu vực nghèo nhưng giàu ánh dương chói chang thuộc vùng tây bắc tỉnh Cam Túc.
Hãng tin Xinhua cho biết dự án 100 megawatt (MW) này sẽ tiêu tốn xấp xỉ 6,03 tỉ nhân dân tệ (khoảng 766 triệu USD), và mất 5 năm để hoàn tất.
Nền kinh tế Trung Quốc đang gia tăng chóng mặt với mức hơn 10% một năm, và những thợ mỏ đang phải nỗ lực làm việc để đáp ứng sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng than, nguồn năng lượng chiếm tới 70% năng lượng tiêu thụ của nước này.
Và để giảm sự ô nhiễm, mà vừa rồi đã đạt ngưỡng báo động qua hình ảnh thủ đô Bắc Kinh chìm trong bụi mù, chính phủ Trung Quốc chuyển hướng sang các dự án đầu tư năng lượng hạt nhân và mặt trời.
Được coi như “thị trấn ốc đảo”, Dunhuang đã được “chấm” trong dự án năng lượng mặt trời này. “Với tổng diện tích 31.200 m2, Dunhuang hứa hẹn cung cấp 3.362 giờ hiện diện của thần Helios mỗi năm, bên cạnh đó là sự tiện lợi trong việc truyền tải điện. Đây được xem như vùng tiên phong cho việc phát triển điện mặt trời”, Xinhua nhận xét.
Xinhua đồng thời đề cập đến trạm năng lượng mặt trời lớn nhất hiện nay trên thế giới là dự án Leipzig, Đức với 33.500 tấm thu năng lượng Mặt trời ghép lại và khả năng cung cấp 5 MW. Tuy vậy, nhà máy điện mặt trời ở Arnstein gần Wuezburg thuộc miền nam nước Đức lại có khả năng cung cấp lên đến 12 MW.
BÙI NGUYỄN QUÝ ANH