Dự án tái phân phối chim nhạn biển Caspian thành công bước đầu

  •  
  • 1.690

Sáng kiến xây dựng khu vực làm tổ mới cho đế chế chim nhạn biển lớn nhất trên thế giới đồng thời bảo vệ đàn cá hồi và cá bẹ con trên sông Columbia cuối cùng đã đạt được những thành công bước đầu.

Một nghiên cứu về địa điểm làm tổ mới trên hồ Crum miền nam bang Oregon được xây dựng hồi tháng 2 do Quân đoàn kĩ sư Hoa Kì thực hiện đã thu hút được trên 135 cặp chim nhạn biển Caspian cũng như hàng ngàn cặp mòng biển cùng 2 cặp chim cốc hai mào đến làm tổ.

Việc phân phối lại loài nhạn biển là rất quan trọng bởi theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc đại học bang Oregon, chim nhạn biển và chim cốc hàng năm tiêu thụ đến hơn 10 triệu con cá hồi và cá bẹ con vượt cửa sông Columbia di cư đến Thái Bình Dương. Chính họ đã giúp dụ đàn chim nhạn Caspian đến hồ Crumps nằm ở đông bắc Lakeview bằng cách sử dụng những con chim mồi cùng băng thu âm thanh tiếng chim nhạn biển làm tổ ghi được ở cửa sông Columbia.

Dan Roby – giáo sư đại học bang Oregon thuộc Ngành cá và động vật hoang dã kiêm chuyên viên điều tra chính của nghiên cứu – cho biết: “Thật ngạc nhiên khi có trên 520 con nhạn biển Caspian đã đến hòn đảo mới chỉ vừa được xây dựng từ 5 tháng trước. Một số con đã quyết định làm tổ tại đây. Hồ Crump đã từng là nơi làm tổ của chúng vì thế mà chúng dường như còn lưu giữ một chút kí ức về nơi này. Đây chính là chìa khóa chính dẫn đến thành công”.

Chim nhạn biển. (Ảnh: flickr.com)

Nỗ lực hợp tác giữa Quân đoàn Hoa Kì, đại học bang Oregon, Công ty Real Time Research, Inc., cùng với Ngành cá và động vật hoang dã phối hợp Cơ quan nghiên cứu địa chất Oregon Hoa Kì đã mang lại khoản tài trợ 2,1 triệu đôla cho đại học bang Oregon từ Cơ quan quản lý năng lực Bonneville và Quân đoàn.

Theo Geoff Dorsey – nhà sinh học nghiên cứu động vật hoang dã cộng tác với Quân đoàn quận Portland, chương trình các loài chim ăn thịt của Quân đoàn có mục tiêu giảm thiểu số lượng cá hồi con bị chim nhạn biển ăn thịt tại vùng cửa sông, từ đó “về cơ bản tăng cường sức tồn tại cho loài cá bị liệt kê vào danh sách bị đe dọa” theo Luật bảo vệ các loài bị đe dọa.

Theo các nhà nghiên cứu cho biết, ban đầu dự án có mục tiêu tái phân phối bầy chim nhạn biển Caspian đông đảo nhất trên thế giới. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu đại học bang Oregon xác định được khoảng 9.900 cặp chim nhạn biển làm tổ trên đảo East Sand gần cửa sông Columbia, chiếm khoảng 70% tổng số các bầy chim nhạn biển Caspia sống tại khu vực bờ biển Thái Bình Dương từ Alaska cho đến Baja California.

Vào cuối những năm 1990, Quân đoàn đã chuyển đàn chim nhạn biển đến đảo East Sand từ đảo Rice – một vị trí nằm ngược dòng 16 dặm trên sông Columbia – sau khi nhóm nghiên cứu do đại học bang Oregon chỉ đạo phát hiện thấy bầy chim nhạn tại đó đã chén khoảng 12 triệu con cá hồi một năm, ước tính bằng 10% số lượng cá hồi con trên toàn bộ lưu vực sông Columbia. Đảo East Sand chỉ cách đại dương có 5 dặm, vùng nước tại đây là nơi cư trú cho rất nhiều loại cá đa dạng hơn nhiều so với vùng nước ngọt ngược dòng gần đảo Rice, trong đó có cá trích hay cá trống.

Roby nói: “Chim nhạn biển là loài ăn cá, chúng tiêu thụ lượng lớn các loài cá nhỏ. Khi chúng tôi tìm hiểu chim nhạn biển trên đảo Rice ăn gì, chúng tôi phát hiện 3/4 khẩu phần ăn của chúng là cá hồi và cá bẹ nhỏ. Chuyện này không hề tốt chút nào”.

Theo các nhà nghiên cứu đại học bang Oregon, có lẽ đảo Rice là “địa điểm tồi tệ nhất” đối với bầy chim nhạn Caspia đông nhất thế giới với viễn cảnh phục hồi được 13 loại cá hồi và cá bẹ đang bị đe dọa tại lưu vực sông Columbia.

Roby chỉ ra rằng việc chuyển địa điểm bước đầu đã có nhiều tín hiệu thành công hơn mong đợi. Bầy chim nhạn đảo East Sand tiêu thụ chưa đầy một nửa số lượng cá hồi và cá bẹ con so với bầy nhạn trên đảo Rice trước đó, ước tính khoảng 4 đến 6 triệu con cá mỗi năm. “Nhưng thế vẫn còn quá nhiều”, ông nói thêm. Các chuyên viên điều tra dự án vẫn tiếp tục tiến hành bước thứ hai của kế hoạch nhằm tái phân bố đàn chim nhạn biển đến nhiều địa điểm làm tổ mới cách xa sông Columbia.

Roby nói: “Bầy nhạn biển Caspian đông nhất thế giới vẫn định cư tại cửa sông Columbia. Mặc dù đảo East Sand là bước cải thiện lớn so với đảo Rice, nhưng chúng tôi luôn coi đây là bước đầu tiên để thực hiện giải pháp. Vẫn còn rất nhiều con nhạn biển cần phải chuyển chỗ bởi chúng gây ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của các loài cá hồi bị đe dọa trong toàn bộ lưu vực sông Columbia”.

“Một số người đề nghị bắn bớt bầy chim nhạn để bảo vệ cá, nhưng giải pháp đó không thực tế tí nào. Chim nhạn Caspian không phải là loài đông đảo về số lượng. Chúng chỉ tình cờ tập trung làm tổ tại một địa điểm và biến nơi đó thành địa điểm không may mắn”.

Một lý do giải thích cho đế chế siêu cường của chim nhạn biển tại cửa sông Columbia chính là vì các địa điểm làm tổ trước đó của chúng tại miền tây nước Mỹ đã bị các hoạt động của con người phá hủy. Sự kiệt quệ của môi trường sống vùng đầm lầy tại một số nơi, nạn úng lụt ở một số khác đã hủy diệt môi trường làm tổ ưa thích của chúng – chính là các hòn đảo trần trụi chỉ có cát.

Chim cốc. (Ảnh: flickr.com)


Hiện nay, thực hiện kế hoạch mà Ngành cá và động vật hoang dã Hoa Kì, Quân đoàn cùng Ngành cá NOAA đề ra, nhóm nghiên cứu do đại học bang Oregon chỉ đạo đã bắt tay vào tiến hành khôi phục các địa điểm làm tổ thay thế cho chim nhạn biển Caspian. Ngoài địa điểm trên hồ Crump, Quân đoàn còn tạo cả một hòn đảo nhân tạo tại hồ chứa Fern Ridge trong thung lũng Willamette. Họ dự định xây dựng thêm 3 hòn đảo có diện tích nửa mẫu tại khu vực dành cho động vật hoang dã trên hồ Summer miền nam bang Oregon mùa hè này và mùa hè năm sau. Dự án hồ Summer bao gồm việc xây dựng một đảo nổi nửa mẫu làm từ nhựa tái chế với bề mặt trải sỏi và cát thô.

Hồ Crump và hồ Summer là hai địa điểm đàn chim nhạn biển từng làm tổ, nhưng Fern Ridge thì không. Cho đến nay, đàn chim nhạn đến Fern Ridge làm tổ với tốc độ rất chậm.

Roby cho biết: “Chúng tôi biết rằng Fern Ridge sẽ là dự án lâu dài có thể mất đến vài năm mới đạt được thành công. Bước đầu tiên là cung cấp môi trường sống. Sau đó chúng tôi mới thêm vào các yếu tố lôi cuốn về mặt xã hội như bầy chim mồi cùng hệ thống âm thanh. Hiện chúng tôi cần hạn chế con người cùng với động vật săn mồi để chờ đợi bầy chim tìm đến làm tổ”.

Các đảo nhân tạo đều được tạo nên từ các vật liệu nạo vét trên sông Columbia – môi trường làm tổ hoàn hảo cho loài chim – đã được tiến hành từ năm 1930 nhưng chỉ đến năm 1984 đàn chim nhạn biển Caspian mới xây dựng tổ ở những nơi này.

Dự án quản lý chim nhạn biển Caspia cũng đòi hỏi phục hồi 3 địa điểm làm tổ khác tại vùng vịnh San Francisco nơi cũng có một nhóm nghiên cứu thuộc đại học bang Oregon.

Việc xây dựng môi trường sống thay thế trên hồ Crump và hồ Summer gần đó sẽ giúp Quân đoàn giảm thiểu diện tích chim nhạn làm tổ trên đảo East Sand thuộc sông Columbia khoảng một mẫu vào năm 2009. Theo báo cáo về ảnh hưởng đến môi trường của sự việc, cần thiết phải giảm được một mẫu tại East Sand khi xây dựng hai mẫu diện tích làm tổ thay thế ở nơi nào đó. Dorsey cho rằng dự án phải giữ lại 1,5 đến 2 mẫu cho chim nhạn Caspian làm tổ trên đảo East Sand, đủ để duy trì bầy đàn chiếm khoảng 1/3 đến một nửa kích cỡ bầy hiện thời.

Theo Dorsey, về cơ bản đảo East Sand có thể chỉ cần duy trì môi trường làm tổ khoảng một mẫu rưỡi theo dự án cuối cùng nếu xây dựng đủ các địa điểm thay thế ở những nơi khác.

Roby cho biết việc tái phân phối đàn chim nhạn cũng không tránh khỏi nguy cơ. Khi các nhà nghiên cứu thiết lập một bầy đàn mới trên đảo East Sand, họ không chắc bầy chim nhạn có thể phát triển được hay không. Họ cũng không chắc chắn liệu bước chuyển đổi này có giảm được số lượng cá hồi bị ăn hay không. Đàn chim nhạn cũng cần được bảo vệ khỏi loài săn mồi ví dụ như chim mòng biển. Ước tính khoảng 200 con mòng biển – một loài có số lượng đông đảo hơn nhiều – đã bị bắn trong vòng 2 năm qua tại địa điểm làm tổ của đàn chim nhạn trên đảo East Sand.

Chim mòng biển. (Ảnh: Alan Mackenzle / flickr.com)


Roby nói: “Các quan chức thuộc Chương trình khôi phục chim biển thuộc Hiệp hội Audubon quốc gia nói với chúng tôi rằng có lẽ chúng tôi thực hiện một số biện pháp kiểm soát chim mòng biển hoặc là chúng sẽ ngăn cản bầy chim nhạn phát triển”.


Với trên 1000 cặp mòng biển trên hòn đảo mới thuộc hồ Crump, bầy chim nhạn rất khó có thể bảo vệ trứng của chúng từ những kẻ phàm ăn hiếu chiến hơn nhiều. Mùa đẻ trứng vào thời kì cao trào giữa tháng 6, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ được thấy những con chim non mới nở trong 2 đến 3 tuần nữa.

Bên cạnh đó cũng nảy sinh câu hỏi tất yếu về khẩu phần ăn của bầy chim nhạn trên hồ Crump. Đa phần bầy chim ăn cá bống biển hoặc cá bống nhỏ với số lượng dồi dào – loài cá nhập khẩu bất hợp pháp vào hồ Diamond, khiến quan chức địa phương phải đầu độc hồ Diamond để loại bỏ chúng. Cá bống nhỏ là loài đặc hữu tại hồ Crump cung cấp nguồn thức ăn ổn định cho các loài chim ăn cá, trong đó có chim nhạn biển.

Các nhà nghiên cứu đại học bang Oregon cùng Quân đoàn đã xây dựng một lũy chắn trên đảo để nghiên cứu chim nhạn biển Caspian, chim cốc và mòng biển trong khi tránh làm ảnh hưởng đến chúng. Họ đã quan sát được những con nhạn gom lại từ các nghiên cứu trước đó. Từ đó cho thấy một số con đã đến từ đảo East Sand và đảo Rice tại vùng cửa sông Columbia, trong khi những con khác lại cư trú ở hồ chứa Potholes gần hồ Moses - Washington, và đảo Crescent gần Pasco – Washington.

Dorsey phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy bầy chim đến đây từ nhiều địa điểm. Chúng giúp chứng minh rằng có thể thu hút bầy chim nhạn đến các địa điểm thay thế cách xa cửa sông Columbia”.

Roby lặp lại rằng mục tiêu của dự án không phải nhằm làm giảm số lượng chúng của bầy chim nhạn Caspian trong khu vực, ước tính khoảng 13.000 đến 14.000 cặp. Dự án đơn giản chỉ nhằm phân phối lại số lượng cá thể nhằm làm giảm tác động của bầy chim nhạn đối với sự tồn tại của cá hồi con tại lưu vực sông Columbia. Ví dụ, nghiên cứu tiết lộ một bầy chim nhạn Caspian khoảng 500 cặp tiêu thụ đến 1/3 lượng cá hồi con trên sông Snake khi đang di cư qua lãnh địa của bầy chim vào một năm hạn hán.

“Mục tiêu là hạn chế mối bất đồng giữa chim di trú được bảo vệ như nhạn biển Caspian và các quần thể cá bị đe dọa như cá hồi lưu vực sông Columbia và cá bẹ nhằm tạo nên hoặc hồi phục môi trường sống mới cho bầy chim tại những nơi mà nguồn cá được bảo vệ không chiếm tỉ lệ đa số trong khẩu phần ăn của bầy chim”.

“Hòn đảo mới trên hồ Crump là công trình khôi phục lại một hòn đảo tự nhiên đã bị hủy hoại vào những năm 1950 do những tay thợ săn đồ khảo cổ gây ra. Đây cũng chính là bước tiến lớn theo đúng định hướng thích hợp”.

Trà Mi (Theo Physorg)
  • 1.690