Thảm kịch Biển Caspi: Hồ lớn nhất hành tinh đang ngày càng cạn dần!

  •  
  • 335

​(CAO) Chỉ cách đây một thập kỷ, Azamat Sarsenbayev khi nhảy xuống tắm ở Biển Caspi - hồ nước lớn nhất Thế giới, ông vẫn còn cảm nhận được độ lợ của nước và màu xanh lam của nó. Nhưng giờ đây, hồ nước khổng lồ này chỉ còn là một vùng đất trơ trụi, đầy đá trải dài về phía chân trời.

Nước đã rút đi rất nhanh khỏi thành phố Aktau ở Kazakhstan, một thành phố nằm ven biển Caspi, nơi nhà hoạt động sinh thái này đã sống cả đời. "Thật khó để chứng kiến" - ông nói với đài CNN.

Cách đó hơn 1.000 dặm về phía nam, gần thành phố Rasht của Iran, Khashayar Javanmardi cũng đang lo lắng. Biển Caspi ở khu vực này đang bị ô nhiễm nặng.

"Tôi không thể bơi được nữa... nước đã thay đổi" - nhiếp ảnh gia, người đã đi khắp bờ biển phía nam của Biển Caspi, ghi lại sự suy thoái của nó, chia sẻ với CNN.

Không ảnh của Biển Caspi cho thấy hồ nước lớn nhất Thế giới này đang cạn dần.
Không ảnh của Biển Caspi cho thấy hồ nước lớn nhất Thế giới này đang cạn dần.

Hồ nước đang chết dần

Cả hai người đàn ông đều cảm thấy gắn bó mật thiết với nguồn nước mà họ đã lớn lên cùng. Cả hai đều lo sợ cho tương lai của nó.

Biển Caspi là biển nội địa lớn nhất hành tinh và là hồ nước lớn nhất Thế giới. Nó chứa một khối lượng nước khổng lồ có kích thước gần bằng bang Montana của Mỹ. Đường “bờ biển” vòng cung của nó trải dài hơn 4.000 dặm và được chia sẻ bởi năm quốc gia: Kazakhstan, Iran, Azerbaijan, Nga và Turkmenistan.

Các quốc gia này dựa vào nó để đánh bắt cá, làm nông, du lịch và nước uống, cũng như trữ lượng dầu khí bên dưới. Biển Caspi cũng giúp điều hòa khí hậu của khu vực khô cằn này, cung cấp lượng mưa và độ ẩm cho khu vực Trung Á. Nhưng nó đang gặp “rắc rối”.

Việc xây dựng đập, khai thác quá mức, ô nhiễm và ngày càng tác động nhiều hơn là cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đang thúc đẩy sự suy giảm của nó. Một số chuyên gia lo ngại rằng Biển Caspi đang bị đẩy đến điểm không thể quay trở lại tình trạng ban đầu.

Trong khi biến đổi khí hậu đang làm mực nước biển toàn cầu dâng cao, thì câu chuyện lại khác đối với các biển và hồ nội địa (không giáp biển) như Biển Caspi. Chúng dựa vào sự cân bằng tinh tế giữa nước chảy vào từ các con sông và lượng mưa và nước thoát ra qua quá trình bốc hơi. Sự cân bằng này đang thay đổi khi thế giới ấm lên, khiến nhiều hồ nội địa như Caspi bị thu hẹp.

Mọi người không cần phải nhìn xa để thấy tương lai có thể ra sao. Biển Aral gần đó, nằm giữa Kazakhstan và Uzbekistan, từng là một trong những hồ lớn nhất thế giới nhưng đã biến mất hoàn toàn, bị tàn phá bởi sự kết hợp giữa các hoạt động của con người và cuộc khủng hoảng khí hậu đang leo thang.

Trong nhiều nghìn năm, Biển Caspi đã dao động giữa mực nước cao và thấp khi nhiệt độ dao động và các tảng băng tiến và lùi. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, sự suy giảm đang diễn ra nhanh hơn.

Các hoạt động của con người đóng một vai trò quan trọng, khi các quốc gia xây dựng các hồ chứa và đập. Biển Caspi được cung cấp nước bởi 130 con sông, mặc dù khoảng 80% lượng nước chỉ đến từ một con sông: sông Volga, con sông dài nhất châu Âu, uốn lượn qua miền trung và miền nam nước Nga.

Thành phố cảng Aktau
Thành phố cảng Aktau, Kazakhstan trên bờ biển Caspi.

Nga đã xây dựng 40 con đập, với 18 con đập khác đang được xây dựng, theo Vali Kaleji - một chuyên gia về nghiên cứu khu vực Trung Á và Kavkaz tại Đại học Tehran (Iran). Điều này làm giảm lưu lượng nước chảy vào Biển Caspi.

Nhưng biến đổi khí hậu đang đóng vai trò ngày càng quan trọng, làm tăng tốc độ bốc hơi và gây ra lượng mưa thất thường hơn.

Mực nước Biển Caspi đã giảm kể từ giữa những năm 1990, nhưng đã tăng tốc giảm nhanh kể từ năm 2005, Matthias Prange, một nhà mô hình hệ thống Trái đất tại Đại học Bremen ở Đức cho biết.

Khi thế giới ấm lên hơn nữa, mực nước sẽ "giảm mạnh", Prange nói với CNN. Nghiên cứu của ông dự đoán mực nước sẽ giảm từ 8 đến 18 mét vào cuối thế kỷ, tùy thuộc vào tốc độ thế giới cắt giảm ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch.

Ngay cả trong những kịch bản nóng lên toàn cầu lạc quan hơn, phần nông hơn ở phía bắc của Biển Caspi, chủ yếu xung quanh Kazakhstan, cũng sẽ biến mất hoàn toàn, Joy Singarayer – Giáo sư khí hậu học tại Đại học Reading và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Đối với các quốc gia Biển Caspi, đây là một cuộc khủng hoảng. Kaleji của Đại học Tehran cho hay, các ngư trường sẽ thu hẹp, du lịch sẽ suy giảm và ngành vận tải biển sẽ chịu thiệt hại khi các tàu thuyền phải vật lộn để cập cảng tại các thành phố cảng nông như Aktau.

Cũng sẽ có những hậu quả về mặt địa chính trị. Năm quốc gia cạnh tranh giành các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt có thể lên đến đỉnh điểm "trong một cuộc chạy đua khai thác nhiều nước hơn", Singarayer nhấn mạnh. Nó cũng có thể gây ra những xung đột mới về trữ lượng dầu khí, nếu bờ biển thay đổi thúc đẩy các quốc gia đưa ra những yêu sách mới.

Hải cẩu biển Caspi
Hải cẩu biển Caspi trên bờ biển ở Nga. Loài này có nguy cơ tuyệt chủng khi mực nước biển Caspi ngày càng cạn kiệt.

Khủng hoảng chực chờ

Tình hình đã trở nên thảm khốc đối với động vật hoang dã độc đáo của Biển Caspi. Đây là nơi sinh sống của hàng trăm loài, bao gồm cả loài cá tầm hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, nguồn cung cấp 90% trứng cá muối trên thế giới.

Biển đã bị bao bọc trong ít nhất 2 triệu năm, sự cô lập (cạn kiệt) cực độ của nó dẫn đến "sự xuất hiện của những sinh vật kỳ lạ như những con sò rất lạ" - theo Wesslingh.

Đây cũng là một cuộc khủng hoảng đối với hải cẩu Caspi, một loài động vật có vú biển đang bị đe dọa không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất. Các địa điểm sinh sản của chúng ở vùng biển Caspi nông hơn ở phía đông bắc đang thay đổi và biến mất, vì loài động vật này cũng đang phải vật lộn với tình trạng ô nhiễm và đánh bắt quá mức.

Assel Baimukanova - một nhà nghiên cứu tại Viện Thủy sinh học và Sinh thái học ở Kazakhstan thông tin, các cuộc khảo sát trên không cho thấy sự suy giảm lớn về số lượng hải cẩu.


Nhiều khu vực của biển Caspi cạn trơ đáy.

Có rất ít giải pháp dễ dàng cho cuộc khủng hoảng này. Biển Caspi nằm trong khu vực đã trải qua nhiều bất ổn chính trị và được chia sẻ giữa năm quốc gia, mỗi quốc gia sẽ trải qua sự suy giảm mực nước của vùng biển này theo những cách khác nhau.

Không có quốc gia nào phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu họ không hành động tập thể, thảm họa Biển Aral có thể lặp lại, Kaleji nhấn mạnh và nói thêm rằng không có gì đảm bảo rằng Biển Caspi "sẽ trở lại chu kỳ tự nhiên và bình thường".

Mối lo ngại ngày càng tăng về số phận của Biển Caspi xuất hiện vào thời điểm khu vực này đang bị giám sát chặt chẽ hơn.

Vào tháng tới, các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ tập trung tại thủ đô ven biển Baku của Azerbaijan để tham dự COP29, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên của Liên hợp quốc, nơi họ sẽ thảo luận về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu dưới bóng của các giàn khoan dầu rải rác trên khắp khu vực Biển Caspi này.

Vào tháng 8, Tổng thống Azerbaijan - Ilham Aliyev cho biết sự suy giảm của Biển Caspi"thảm khốc" và đang trở thành một thảm họa sinh thái, nhưng đồng thời, nước này cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch của riêng mình, vốn đang thúc đẩy sự suy giảm mực nước của Biển Caspi.

Trở lại Kazakhstan, Sarsenbayev đang cố gắng thu hút sự chú ý đến hoàn cảnh khốn khổ của Caspi thông qua những thước phim đẹp và bao quát mà ông đăng trên Instagram.

Nếu cuộc khủng hoảng khí hậu và tình trạng khai thác nước quá mức vẫn tiếp diễn, ông lo ngại "Biển Caspi có thể phải đối mặt với số phận của Biển Aral".

Tại Iran, Javanmardi tiếp tục chụp ảnh bờ biển Caspi, ghi lại cảnh nước bị ô nhiễm, bờ biển bị thu hẹp và đáy biển khô cằn, cũng như tiết lộ vẻ đẹp vẫn tồn tại và mối liên hệ của con người với biển. Anh muốn mọi người thức tỉnh trước những gì đang biến mất.

"Đây là hồ lớn nhất thế giới, tất cả mọi người nên coi đó là điều quan trọng" – anh nói.

Cập nhật: 26/10/2024 Congan
  • 335