Các chuyên gia đã kêu gọi cần phải nghiên cứu kỹ hơn về các chủng virus ít gây chết người trong số các chủng virus cúm gia cầm H5N1 vì chúng có thể là những tác nhân làm bùng phát đại dịch cúm.
Các nhà khoa học đã phân loại được ít nhất bốn dạng biến dị chính hay còn gọi là bốn “kiểu gien (genotype)” của virus H5N1 kể từ khi virus này lây sang người vào năm 1997 tại Hồng Kông.
Đứng đầu danh sách này là genotype Z, đã được phát hiện tại miền bắc Trung Quốc, Indonesia, một số nơi ở châu Phi, châu Âu, và Trung Đông, và đã làm cho hơn phân nửa số nạn nhân bị nhiễm loại virus này phải thiệt mạng
Genotype V ít được biết đến hơn, đã xuất hiện tại Hàn Quốc và Nhật Bản vào cuối năm 2003. Có ít nhất 9 người Hàn Quốc đã bị nhiễm dạng biến dị của virus này khi tham gia tiêu hủy gia cầm nhằm chặn đứng đợt bùng phát dịch ở nước này vào cuối năm 2003 và đầu năm 2004. Không ai trong số họ có bất kỳ triệu chứng trầm trọng nào và tất cả đều đã hồi phục.
|
Virus H5N1 |
Có thêm một công nhân tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm virus này sau khi căn bệnh tấn công vào các trại nuôi gia cầm ở Hàn Quốc vào tháng 11 nhưng anh ta cũng không phát bệnh trầm trọng.
Các nhà khoa học đã cảnh báo không nên bỏ qua các chủng virus H5N1 ít độc hại này vì chúng cũng rất giống các chủng virus đã từng làm thiệt mạng hàng triệu người trước đây.
Julian Tang, trợ lý giáo sư vi sinh học của trường Đại học Hồng Kông của Trung Quốc cho biết:
Điều làm cho các trận đại dịch trước đây trở nên đáng sợ không phải là tử suất cao mà là khả năng lây lan trên con người của các chủng virus này. Nếu có nhiều người bị nhiễm thì ngay cả tử suất thấp cũng sẽ làm cho số người chết lên đến cực điểm.
Bà Tang nói:
“Tất cả các trận đại dịch cúm đều có tử suất tương đối thấp (dưới 3%, kể cả đại dịch năm 1918-1919). Tổng số người thiệt mạng thì nhiều vì có nhiều người bị nhiễm bệnh, nhưng đại đa số, trên 97%, vẫn sống sót.” Dịch cúm ở Tây Ban Nha vào năm 1918-1919 đã giết chết khoảng 50 triệu người trên thế giới, nhưng người ta sẽ không bao giờ biết số người chết thật sự là bao nhiêu.
Bà Tang nói:
“Có bằng chứng cho thấy thậm chí loại virus này có phần nào thích ứng với con người trước khi gây ra đại dịch. Đây có thể là những gì chúng ta đang nhận thấy ở những ca nhiễm H5N1 nhẹ hơn và không có triệu chứng ở người tại Hàn Quốc.”
Bà Tang cho biết:
“Nếu một loại virus gây chết người nhiều đến nỗi nó giết chết 50% chủ thể mang nó thì virus này sẽ không lây lan sang nhiều người khác và sẽ bị tuyệt chủng tương đối nhanh. Vì thế ít có khả năng nó gây ra đại dịch toàn cầu.”
virus H5N1 bùng phát trong vài tuần gần đây, lây lan trong các đàn gia cầm ở Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan, đã làm thiệt mạng sáu người ở Indonesia, và lần đầu tiên giết chết một người ở Nigeria.
Mặc dù đây vẫn là một loại bệnh ở gia cầm, nhưng được biết virus này đã lây nhiễm sang 270 người kể từ cuối năm 2003 và làm 164 người trong số họ tử vong. Các chuyên gia lo sợ rằng virus này có thể giết hại hàng triệu người một khi nó biết cách lây lan giữa người và người một cách hiệu quả.
Lo Wing-lok, một chuyên gia về bệnh nhiễm ở Hồng Kông đã kêu gọi cần phải nghiên cứu kỹ hơn về tất cả các dạng biến dị của virus H5N1. Ông Lo nói:
“Genotype V và Z có thể gây nhiễm bệnh trầm trọng ở người ra sao? Tôi tin rằng chúng ta nên có một vài ý niệm về việc hai chủng phụ này độc hại như thế nào.” Bà Tang tin rằng chính chủng virus ít độc hai hơn, chứ không phải kiểu genotype Z vốn gây bệnh nặng, rất có thể là tác nhân gây ra đại dịch.
Bà nói:
“Nếu H5N1 chính là virus cúm gây ra trận đại dịch tiếp theo, thì nó cần phải thích ứng với con người nhiều hơn để có thể lây truyền giữa người với người một cách hiệu quả, chứ không phải làm họ thiệt mạng quá nhanh, để người bị nhiễm có thể lây truyền virus này sang người khác.” Hồng Lĩnh