Với sự phát triển của công nghệ, không cần phải vác những chiếc máy nặng trịch mới xác định được nơi ẩn nấp của một sát thủ.
Quân đội Mỹ đang được trang bị thiết bị công nghệ cao để phát hiện những kẻ bắn tỉa, như các loại máy móc cố định được lắp tại những vị trí chiến lược. Nay, công nghệ truy tìm những tay súng sát thủ đã trở nên đơn giản hơn gấp nhiều lần, khi các cận vệ dân sự cũng có thể làm được nếu chịu khó trang bị điện thoại chạy hệ điều hành Android.
Một nhóm kỹ sư máy tính thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ) đã chế tạo một phần cứng rẻ tiền, kèm theo phần mềm để biến bất cứ điện thoại Android nào thành máy phát hiện kẻ bắn tỉa. Theo Gizmag, Trưởng nhóm Akos Ledeczi cho hay họ đã lắp ráp một bộ phận cảm biến có kích thước cỡ một cỗ bài tây. Khi một viên đạn rời nòng, cảm biến tức thì bắt lấy âm thanh trên và ghi lại thời điểm nổ súng.
Điện thoại di động có thể giúp tìm ra kẻ bắn tỉa - (Ảnh: special-ops.org)
Kế đến dữ liệu được gửi đến điện thoại đã được cài đặt sẵn thông qua kết nối bluetooth. Kết hợp với các điện thoại khác cũng được trang bị bộ phận này để lập thành một hệ thống, người dùng có thể xác định được vị trí đã bắn phát súng đó. Ý tưởng trên tương tự ShotSpotter, một hệ thống đang được sử dụng tại Seattle để theo dõi vị trí của kẻ nổ súng.
Hệ thống của Đại học Vanderbilt có hai phiên bản. Đầu tiên, chỉ cần dùng một micro cho mỗi cảm biến, nhưng sẽ cần đến ít nhất 6 điện thoại khác nhau để tính toán chính xác vị trí của người bắn. Trong khi đó, hướng tiếp cận thứ hai lại cần đến 4 micro cho mỗi bộ phận cảm biến, nhưng chỉ mất 2 điện thoại là đủ để định vị kẻ bắn tỉa.
Điều này do các thiết bị tận dụng một đặc điểm riêng biệt của các phát súng: chúng tạo ra 2 tiếng nổ lớn. Tiếng nổ đầu phát ra từ họng súng, khi khí nổ đẩy viên đạn tới trước nở rộng và tạo ra sóng xung kích. Âm thanh vang dội này tràn ra mọi hướng và nó có hình dạng như một khối cầu. Còn đạn tạo ra tiếng nổ thứ hai. Trong lúc chúng thường di chuyển với tốc độ siêu âm, tiếng nổ chỉ dừng lại ở âm thanh trầm nhỏ. Sóng âm lúc này hình nón, với viên đạn ở mũi nhọn của hình này.
Việc ghi lại thời gian phát ra hai tiếng nổ trên có thể cung cấp dấu hiệu giúp chỉ điểm nơi xuất phát tiếng súng này, và khi dữ liệu trên được thu thập tại các đặc điểm khác nhau, nó cho phép lập ra hình tam giác truy xuất vị trí của hung thủ. Dùng âm thanh trầm phát ra từ viên đạn cho phép các micro “nghe” được những tiếng súng ở khoảng cách xa hơn, theo nhà khoa học Janos Sallai thuộc nhóm Ledeczi.
Ở khoảng cách lớn hơn, sóng hình cầu từ họng súng bị các vật cản trên mặt đất bóp méo, đó là một trong những lý do khiến con người gặp khó khăn trong lúc phán đoán khi nghe tiếng súng. Nếu chỉ sử dụng micro được trang bị sẵn trên điện thoại thì vẫn chưa đủ, nên các chuyên gia Mỹ nghĩ ra bộ phận khuếch đại và lọc cảm biến.
Với công nghệ mới, các cận vệ dân sự có thể bảo vệ khách hàng với mỗi thành viên trong đội được trang bị một bộ phận cảm biến. Nếu phát súng được bắn ra, họ có thể lần theo dấu vết và giúp cảnh sát bắt được hung thủ.