Em bé đầu tiên khỏi bệnh gan chết người nhờ kỹ thuật mới

  •  
  • 490

Các bác sĩ ở London tuyên bố đã chữa khỏi cho một bé trai mắc bệnh gan nguy hiểm có thể tử vong bất cứ lúc nào. Họ cấy vào người bé những tế bào đóng vai trò như lá gan tạm thời, cho phép nội tạng tổn thương có thời gian phục hồi.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London cho biết đây là lần đầu tiên trên thế giới áp dụng kỹ thuật "cấy dặm" này.

Cậu bé 8 tháng tuổi Iyaad Syed giờ đây trông hoàn toàn khỏe mạnh - nhưng 6 tháng trước em đã mấp mé hố tử thần. Một loại virus đã phá hủy bộ gan của em khiến nó không hoạt động được

Tuy nhiên, thay vì xếp bé vào danh sách dài dằng dặc chờ ghép gan, các bác sĩ đã tiêm các tế bào gan khỏe mạnh của người hiến vào bụng em.

Những tế bào khỏe mạnh này sẽ trừ khử các độc tố, và tạo ra những protein sống còn cho cơ thể - đóng vai như một lá gan tạm thời.

Để tránh cho các tế bào lạ bị chính cơ thể tấn công, nhóm bác sĩ đã bọc chúng trong một lớp áo hóa chất. Sau 2 tuần, lá gan thật của em bé đã bắt đầu phục hồi.

Giáo sư Anil Dhawan, một chuyên gia về gan tại Bệnh viện đại học Hoàng gia, cho biết tất cả nhóm nghiên cứu của bệnh viện đều rất vui mừng trước điều này.

"Đây là lần đầu tiên liệu pháp này được dùng để chữa cho một cháu bé có gan bị hỏng nặng. Chỉ vài tháng trước, khi lần đầu tiên nhìn thấy bé, bé còn ốm yếu đến mức phải có máy lọc máu và máy trợ thở hỗ trợ. Chúng tôi nghĩ đã cho bé một cơ hội sống mới và giờ đây sau 6 tháng lá gan của bé đã có chức năng gần như bình thường, điều đó thật khó tin".

Giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu kỹ thuật này có thể áp dụng cho các bệnh nhân khác cũng bị hỏng gan cấp? Nhóm nghiên cứu cho biết cần có thử nghiệm lâm sàng ở quy mô lớn hơn để kiểm chứng hiệu quả của phương án.

Hiện tại, mỗi năm riêng ở Anh có hàng trăm người chết vì không thể chờ được đến lượt cấy ghép gan.

Theo BBC, VNE
  • 490