“Thuốc điều trị HIV(ARV) giả đã xuất hiện ở Hong Kong, từ năm 2000 đã có thuốc giả ở các nước châu Phi cận sa mạc Sahara, Trung Quốc, Singapore và một số nước ở Đông Nam Á. Hiện có từ 10-35% số thuốc điều trị HIV chưa đạt tiêu chuẩn hoặc được bán một cách bất hợp pháp... Vấn đề đảm bảo chất lượng thuốc điều trị HIV/AIDS không chỉ còn là việc riêng của mỗi quốc gia mà cần sự đồng thuận và quan tâm của các quốc gia".
(Ảnh: TTO) |
Do tính chất lý học, hóa học và dược học phức tạp của thuốc kháng vi rút HIV đã đẩy chi phí và giá thành của thuốc lên cao, quá đắt so với thu nhập của nhiều người dân, nhất là người nhiễm HIV/AIDS.
Theo tính toán của các tổ chức y tế: một người nhiễm HIV mỗi năm cần sử dụng thuốc ARV ức chế vi rút HIV là 350 USD cho phác đồ điều trị 1 loại thuốc; với phác đồ sử dụng 2 loại thuốc, chi phí trên 1.200 USD. Nhưng theo các chuyên gia lâm sàng, người nhiễm HIV phải sử dụng cùng một lúc 3 loại thuốc mới đạt hiệu quả, chi phí sẽ là trên 2.000 USD/năm.
Người nhiễm HIV phải sử dụng thuốc suốt đời, nên đa số bệnh nhân, kể cả chính phủ nhiều quốc gia cũng không có đủ điều kiện trang trải và đáp ứng nhu cầu sử dụng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia do nhu cầu đã "vượt khung" sản xuất thuốc nhưng Hệ thống kiểm nghiệm quốc tế lại quá “hẹp“... đã thúc đẩy họ không tuân thủ quy định.
Đây là nguyên nhân khiến thị trường dược phẩm điều trị HIV luôn "nóng", nên các hãng dược phẩm và người kinh doanh thời gian qua đã đưa ra thị trường các loại thuốc kém chất lượng, thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc thậm chí là thuốc giả... dẫn đến tình trạng kháng thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS ngày một tăng ở nhiều quốc gia.
Từ đầu năm 2006 đến 2007, Việt Nam triển khai Chương trình nghiên cứu thử nghiệm "Dự phòng, giám sát và theo dõi kháng thuốc, điều trị HIV ở châu Á” do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang và Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên triển khai tại các khu vực.