Với sự kiện Bill Gates lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, cùng hàng loạt những hoạt động hiệu quả và ý nghĩa với chính phủ, doanh nghiệp và các đối tác tại Việt Nam, 2006 được coi là một năm khá bận rộn của Microsoft Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Chirstophe Desriac, Trưởng Đại diện Microsoft Việt Nam, để tìm hiểu thêm về những hoạt động của Microsoft, đặc biệt là những chi tiết thú vị xung quanh chuyến thăm của ngài Chủ tịch tập đoàn phần mềm này đến Việt Nam.
Trước tiên xin cảm ơn ông đã nhận lời mời phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 2006 có một sự kiện được rất nhiều người dân quan tâm đó là sự kiện Bill Gates đến Việt Nam. Đây cũng được bình chọn là một sự kiện tiêu biểu của CNTT Việt Nam trong năm 2006. Với tư cách đại diện Microsoft tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ những chi tiết thú vị phía sau cuộc viếng thăm của Microsoft tại Việt Nam được không?
|
Ông Chirstophe Desriac (bên trái) trong một lần tặng quà cho trẻ em nghèo (Ảnh: Microsoft) |
Đây là lần đầu tiên Bill Gates đến Việt Nam và như các bạn đã thấy, Bill Gates chỉ có đúng một ngày đến thăm và làm việc tại Việt Nam, với lịch trình kín mít, từ làm việc với chính phủ Việt Nam, giao lưu với sinh viên Việt Nam và làm việc với các đối tác có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên Bill Gates có ấn tượng rất mạnh mẽ với thị trường Việt Nam. Ấn tượng không chỉ vì những gì mà Việt Nam đang làm mà ấn tượng cả về những cơ hội mà thị trường Việt Nam sẽ có và sẽ đạt được trong tương lai.
Sau khi ra về Bill Gates cũng có 3 lời khuyên đối với thị trường Việt Nam, đó là: thị trường Việt Nam cần phải tập trung hơn nữa để phát triển nền giáo dục; Việt Nam phải xây dựng được một cơ sở hạ tầng cho CNTT và dựa vào đó để phát triển một cái chuẩn cho nền CNTT sau này. Lời khuyên thứ 3 Bill Gates dành cho các bạn sinh viên Việt Nam. Các bạn trẻ Việt Nam cần trau dồi hơn nữa về kiến thức, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Đó là phương tiện cơ bản để các bạn giao lưu được với thế giới khi mà Việt Nam đã trở thành một thành viên của WTO.
Tôi được biết là ông đã có mặt ở Việt Nam từ 2 năm nay. Và chắc hẳn ông đã có những nhận định riêng của mình về thị trường CNTT Việt Nam. Xin ông có thể chia sẻ những nhận định về thị trường CNTT Việt Nam, về tốc độ phát triển của nền CNTT Việt Nam trong thời gian qua?
Sau 2 năm làm việc ở thị trường Việt Nam thì tôi nhận thấy là thực sự Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt. Chỉ năm trước năm sau thôi mà tôi đã thấy Việt Nam và nền CNTT Việt Nam thay đổi mạnh mẽ. Tôi nghĩ là sự biến đổi nhanh chóng như thế là nhờ có chính phủ của các bạn đã có một cái tầm nhìn rất là xác đáng, một định hướng rất đúng đắn cho nền công nghệ. Sau nhiều lần tiếp xúc với chính phủ Việt Nam, tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã coi việc phát triển CNTT như một mũi nhọn cho phát triển kinh tế. Tôi nghĩ đó là một điều đáng mừng bởi chính phủ của các bạn đã nhận thức được rất đúng đắn về vấn đề này.
Một điều đặc biệt nữa mà tôi cũng muốn chia sẻ là sự kiện tháng 7 năm 2006 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã cho ra đời luật sở hữu trí tuệ. Tôi đánh giá đây cũng là một bước ngoặt lớn đối với Việt Nam khi mà chính phủ Việt Nam đã nhận định, đánh giá cao sự cần thiết của việc tôn trọng bản quyền. Tôi nghĩ các bạn đang đi đúng hướng và các bạn sẽ đạt được những cái lợi ích sau này.
Vậy thì trong năm 2007 này, Microsoft có những kế hoạch cụ thể gì ở Việt Nam và ông có thể nói cụ thể hơn về những dự định, kế hoạch đó đối với khán giả truyền hình được không?
Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục làm việc chặt chẽ với chính phủ để có thể hỗ trợ chính phủ trong việc phát triển nền CNTT nước nhà mà đặc biệt là phát triển nền công nghệ phần mềm nước nhà. Với các đối tác và doanh nghiệp trong nước thì mong muốn của chúng tôi là làm thế nào mang được công nghệ của Microsoft đến cho các bạn, giúp các doanh nghiệp của các bạn ngày càng trở nên cạnh tranh hơn và giúp các bạn đạt được hiệu quả kinh doanh của mình hơn. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Hiện nay Việt Nam đang là một nước rất là tiềm năng và với tốc độ này, các bạn có thể trở thành một nước có nền CNTT phát triển nhanh nhất của châu Á - Thái Bình Dương.
Vâng, xin cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trò chuyện thú vị này!
Quỳnh Ngọc