Giấc mơ du lịch không gian giá rẻ của con người ngày càng gần với hiện thực

  •   52
  • 285

Với việc Tàu Đổ bộ Thông minh Khảo sát Mặt Trăng (SLIM) ngày 20/1 đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ năm "hạ cánh mềm" xuống vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.

Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản hiện thực hóa giấc mơ du lịch không gian với chi phí cực rẻ.

Mô hình Tàu Đổ bộ Mặt Trăng
Mô hình Tàu Đổ bộ Mặt Trăng do Công ty Ispace phát biểu được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia về Khoa học và Đổi mới Tiên tiến ở Tokyo (Nhật Bản), ngày 25/4/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN).

Cùng với những tiến bộ kỹ thuật không gian ngày càng tiến triển, chi phí để thực hiện một chuyến tham quan vũ trụ đã giảm đáng kể.

Hệ thống Vận tải Vũ trụ Tương lai của Nhật Bản vào tháng 12/2023 đã tuyên bố bắt đầu nhận đặt chỗ cho chuyến du lịch không gian 8 ngày 7 đêm với gói phổ thông trị giá khoảng 3 triệu yen/người (khoảng hơn 20.000 USD) và gói thương gia là 8 triệu yen/người (khoảng 53.000 USD) - thấp hơn rất nhiều so với mức giá 450.000 USD mà Công ty du hành vũ trụ Virgin Galactic của Mỹ đang mời gọi hiện nay.

Dự kiến tour du lịch vũ trụ đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2040.

Một trong những yếu tố giúp giảm giá thành chuyến du lịch không gian là chi phí phóng tên lửa đã giảm đáng kể nhờ sự tham gia của lĩnh vực tư nhân.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chi phí phóng tên lửa trên mỗi kg hàng hóa đã giảm đáng kể từ năm 2010 với sự tham gia của SpaceX.

Nếu sử dụng tàu con thoi thì chi phí là khoảng 65.400 USD, nhưng tên lửa Falcon 9 của SpaceX có thể tái sử dụng một phần chỉ có giá 2.600 USD và tên lửa mạnh nhất thế giới mà công ty này đang phát triển là Starship dự kiến chỉ có giá chưa đến 100 USD.

Ngoài ra, Hiệp hội Thang máy Vũ trụ của Nhật Bản ước tính nếu có thể xây dựng mộtthang máy vũ trụtrong tương lai thì chi phí cho một chuyến du hành không gian sẽ chỉ vào khoảng 1 triệu yen (khoảng 6.700 USD).

Thang máy này có chiều dài khoảng 96.000km, được gắn vào một dây cáp duy nhất để vận chuyển con người và hàng hóa.

Trước đây, ý tưởng này được cho là phi thực tế vì cần một loại vật liệu siêu nhẹ và siêu bền để làm nên sợi cáp kết nối giữa Trái đất và không gian.

Đến năm 1991, việc phát minh ra ống nano carbon đã tạo ra một cuộc cách mạng, giúp rút ngắn thời gian hiện thực hóa một loại “thang máy không gian.”

Không giống như tên lửa, “thang máy không gian” ít có khả năng phát nổ và mở ra nhiều cơ hội hơn cho những người không phải phi hành gia có thể bước chân ra không gian.

Hiện tập đoàn Obayashi đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển ý tưởng này với kỳ vọng nếu việc xây dựng cảng phía Trái đất được khởi động vào năm 2025, một trạm quỹ đạo địa tĩnh trong không gian có thể được bắt đầu sử dụng vào năm 2050.

Cập nhật: 27/01/2024 TTXVN/Vietnam+
  • 52
  • 285