"Giấc mơ mặc khải" của Descartes: Thứ mở ra toàn bộ hình học giải tích không gian và nền triết học cho nhân loại

  •  
  • 1.189

Đã bao giờ bạn đang ngủ thì giật mình tỉnh dậy, và cảm thấy đầu mình như nổ tung hay chưa? Nếu đã từng có trải nghiệm này, thì rất có thể bạn đang mắc phải một hội chứng kỳ lạ gọi là "Exploding head syndrome" (EHS).

Dịch chính xác từ thuật ngữ Tiếng Anh, nó được gọi là "Hội chứng đầu nổ tung". EHS thuộc vào một nhóm các chứng rối loạn giấc ngủ được gọi chung là parasomnia, bao gồm hội chứng tê liệt khi ngủ, hay còn gọi là bóng đè, hội chứng giật mình tỉnh giấc vì bị ngã hoặc rơi tự do trong mơ.

Đến đây, có một tin xấu và một tin tốt.

Tin xấu là các nhà khoa học hiện còn biết rất ít về hội chứng đầu nổ tung. Chưa có một biện pháp điều trị nào nếu bạn mắc phải hội chứng kỳ lạ này.

Thế còn tin tốt là gì?

Hóa ra, nhà triết học và toán học thiên tài người Pháp René Descartes cũng từng mắc phải hội chứng này. Nếu như một quả táo rơi vào đầu Isaac Newton đã giúp ông phát hiện ra lực hấp dẫn, thì một giấc mơ với đầu nổ tung đã giúp Descartes phát minh ra toàn bộ hình học giải tích không gian và cả nền triết học hiện đại cho loài người.

Vậy nên, nếu lần sau bạn bất ngờ tỉnh dậy từ một giấc mơ và thấy đầu mình như nổ tung, hãy thử cố nghĩ ra thứ gì đó xem. Biết đâu, bạn lại trở thành người tiếp theo ghi tên mình vào lịch sử nhân loại.

1. Những giấc mơ mặc khải của Descartes

René Descartes nổi tiếng với câu nói "Tôi tư duy, tôi tồn tại" là nhà khoa học, toán học và triết học người Pháp, sống ở thế kỷ 17.

Với các phát biểu đặt nền móng cho phương pháp nghi ngờ siêu hình và chủ nghĩa duy lý, Descartes đã nhấn mạnh rằng lý trí chứ không phải cảm xúc là thứ dẫn dắt loài người đạt tới sự thật và tri thức.

Các nhà triết học hậu Descartes đã tiếp thu các tư tưởng của ông để phát triển nhiều học thuyết đồ sộ, trong đó có thuyết nhị nguyên, thứ sau đó khiến Descartes được mệnh danh là "Cha đẻ của triết học hiện đại".

René Descartes

Ngoài ra, Descartes còn có những đóng góp hết sức nổi bật trong lĩnh vực toán học, nơi ông đã tích hợp đại số và hình học vào với nhau để phát minh ra hình học giải tích.

Hệ thống tọa độ Oxyz còn được đặt theo tên ông, tọa độ Descartes, đã giúp các nhà toán học và vật lý giải quyết nhiều vấn đề hóc búa như mô tả chuyển động của vật thể trong không gian, quỹ đạo các hành tinh và giải phương trình cơ học lượng tử.

Thậm chí, việc Einstein phát biểu Thuyết tương đối cũng cần đến hình học giải tích của Descartes.

Ngày nay, tọa độ Oxyz vẫn là nền tảng cho các ứng dụng đồ họa máy tính và mô phỏng 3D. Nó là khởi nguồn của mọi thế giới ảo, từ các tựa game online mà bạn chơi hồi bé cho đến vũ trụ hư cấu Metaverse của Facebook.

Chẳng trách mà trong đề thi toán THPT Quốc gia, lúc nào cũng có 8 câu hình học không gian về tọa độ Descartes.

Ông là người khai sinh ra hình học giải tích

Suốt cuộc đời mình, René Descartes còn có nhiều phát kiến quan trọng trong các lĩnh vực như sinh học, tâm lý học và tôn giáo. Nhưng có thể bạn chưa biết: Tất cả các chiêm nghiệm của Descartes đều bắt đầu từ một giấc mơ vào năm ông 23 tuổi – một giấc mơ mặc khải mà Descartes cho rằng ông đã nhận được sự mách bảo của "thần thánh", được "Chúa truyền cảm hứng".

Thế nhưng, khi lật lại sử sách, các nhà khoa học ngày nay lại cho rằng, giấc mơ đó chỉ là một dấu hiệu của một hội chứng tâm thần mà Descartes không may mắc phải.

2. René Descartes đã thấy gì?

Mọi chuyện đã bắt đầu vào đêm ngày 10 tháng 11 năm 1619, Descartes đã gặp tổng cộng 3 giấc mơ khác nhau. Nhưng tại sao chúng ta lại biết chính xác điều đó? Hóa ra, thiên tài người Pháp luôn giữ bên mình một cuốn sổ tay giấc mơ gọi là Olympica, nơi ông sẽ viết xuống tất cả những giấc mơ của mình cùng lời diễn giải về chúng.

Đêm đó, Descartes đã kể về 3 giấc mơ kỳ lạ của mình. Giấc mơ thứ nhất, khi Descartes đang đi bộ dọc theo một con đường thì có một cơn gió mạnh cuốn lấy ông, khiến ông phải nghiêng người và cố gắng giữ thăng bằng.

Cảm thấy mình đang bị đe dọa bởi một thế lực nào đó xấu xa, Descartes đã tìm tới một nhà thờ để trú ẩn. Nhưng khi định bước vào đó, ông nhận ra rằng ông không thể đi được, và cảm giác bị ngăn cản bởi một sức mạnh bí ẩn.

Tỉnh dậy từ giấc mơ, Descartes đã lý giải những gì xảy ra trong đó là dấu hiệu của sự hoài nghi và bất định về cuộc sống, nơi mà ông phải đối mặt với những khó khăn và thử thách trong việc tìm kiếm sự thật và tri thức. Việc ông không thể vào nhà thờ biểu trưng cho sự ngăn trở trong việc tiếp cận sự cứu rỗi hoặc giải thoát qua tôn giáo.

Giấc mơ thứ hai, Descartes miêu tả rằng ông nghe thấy một tiếng động lớn như tiếng sấm sét và thức dậy với cảm giác vô cùng sợ hãi. Descartes xem giấc mơ này như một dấu hiệu của sự hiện diện của thế lực siêu nhiên, một lời cảnh báo từ Chúa.

Nó khiến ông suy ngẫm về ý nghĩa cuộc đời mình và vai trò của Chúa trong việc dẫn dắt ông đến con đường tri thức. Descartes cảm nhận rằng sự sợ hãi trong giấc mơ này tượng trưng cho những khó khăn và sự tôn kính trước quyền lực của đấng tối cao, mà qua đó, ông phải vượt qua để đạt được tri thức.

Giấc mơ thứ ba kể về việc Descartes gặp một người lạ mặt. Người đó đưa cho ông một cuốn từ điển và một cuốn sách có tựa đề Corpus Poetarum (có nghĩa là "Tập thơ của các nhà thơ"). Khi mở ra, ông nhìn thấy một câu trích dẫn "Quod vitae sectabor iter?" (Tôi sẽ theo đuổi con đường nào trong cuộc đời?). Một người khác sau đó đến gần và ca ngợi một đoạn thơ, nhưng Descartes không thể nhớ rõ đoạn thơ đó là gì.

Trong giấc mơ này, Descartes cảm thấy mình được chỉ dẫn để đi theo con đường tri thức và khoa học. Cuốn thơ có thể biểu trưng cho việc kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học, còn câu hỏi "Tôi sẽ theo đuổi con đường nào trong cuộc đời?", gợi ý về việc ông đang tìm kiếm định hướng cho cuộc đời mình.

Descartes tin rằng, 3 giấc mơ của mình là điềm báo của Chúa

Trong các ghi chép sau đó của mình, Descartes tin rằng cả ba giấc mơ này là dấu hiệu mách bảo của Chúa, dẫn đường ông tới các chân lý của khoa học. Đặc biệt là giấc mơ thứ hai, khi Descartes nghe thấy một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Ông đã giật mình tỉnh dậy ngay lập tức, chỉ để thấy khắp căn phòng của mình toàn là ánh sáng lấp lánh.

Descartes cho biết ông thường xuyên gặp phải hiện tượng này, và nó giống như một sự mặc khải.

3. Sự mách bảo của Chúa hay chỉ là một hội chứng tâm thần?

Bởi những giấc mơ của Descartes được ông ghi chép rất cẩn thận, trong nhiều thế kỷ, chúng đã trở thành một chủ đề khoa học, nơi mà nhiều nhà tâm lý đã nhảy vào để đào sâu, mong giải mã được những gì mà Descartes đã mơ thấy.

Một trong số đó là nhà thần kinh và phân tâm học nổi tiếng người Áo, Sigmund Freud. Freud cho rằng những giấc mơ của Descartes bắt nguồn từ những xung đột tiềm thức của ông trong thời trai trẻ.

Tiếng động lớn mà Descartes nghe thấy trong giấc mơ thứ hai như một biểu tượng của một sự kiện hoặc cảm xúc mạnh mẽ đã bị dồn nén trong vô thức của Descartes. Nó có thể biểu thị một sự kiện trong quá khứ gây sốc, hoặc những lo lắng về tương lai mà ông không thể kiểm soát.

Theo Freud, những giấc mơ của Descartes không phải sự mặc khải thiêng liêng của Chúa. Nó chỉ cho thấy Descartes đang có những vấn đề về tâm lý.

Sigmund Freud

Những suy luận của Freud, được đưa ra vào năm 1929, đã trở thành lời giải thích khả dĩ nhất cho những giấc mơ của Descartes hơn 300 năm về trước. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm mà khoa học thần kinh chỉ mới bắt đầu phát triển và Hans Berger, một nhà thần kinh học người Đức, vừa phát minh ra máy đo điện não đồ (EEG).

Phải đợi tới gần một thế kỷ sau, nghĩa là đúng 400 năm kể từ những giấc mơ của Descartes, chúng mới thực sự được hiểu rõ.

Năm 2018, một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Clinical Sleep Medicine lần đầu tiên đặt ra nghi vấn: "Liệu René Descartes có mắc hội chứng đầu nổ tung hay không?"

Theo đó, các nhà khoa học nhận thấy giấc mơ thứ hai mà Descartes đã mô tả trong nhật ký của ông phù hợp với triệu chứng của rất nhiều bệnh nhân mắc chung một hội chứng tâm thần được gọi là Exploding head syndrome (EHS) hay "Hội chứng đầu nổ tung".

EHS thuộc vào một nhóm các chứng rối loạn giấc ngủ được gọi chung là parasomnia, bao gồm hội chứng tê liệt khi ngủ, hay còn gọi là bóng đè, hội chứng giật mình khi ngủ hoặc tỉnh giấc vì bị ngã hoặc rơi tự do trong mơ.

"Trải nghiệm của Descartes sau giấc mơ đầu tiên của mình đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán EHS của Phân loại quốc tế về rối loạn giấc ngủ, Phiên bản thứ ba (ICSD-3)", nghiên cứu viết:

  • Thứ nhất, ông ấy nghe thấy một tiếng động lớn đột ngột trong đầu khi chuyển đổi từ pha ngủ sang pha thức.
  • Thứ hai, tiếng nổ gây ra sự tỉnh giấc đột ngột và cảm giác sợ hãi.
  • Thứ ba, trải nghiệm không gây ra cảm giác đau đớn đáng kể.

Giấc mơ của Descartes phù hợp với triệu chứng của 1 hội chứng tâm thần

Ngoài ra, ánh sáng lấp lánh mà Descartes nhìn thấy trong phòng của mình sau khi tỉnh giấc cũng phù hợp với ảo giác mà nhiều bệnh nhân mắc hội chứng đầu nổ tung mô tả. Không còn gì phải nghi ngờ, Descartes đã mắc cùng một hội chứng rối loạn giấc ngủ mà 1/10 dân số đang mắc phải.

4. Nguyên nhân nào có thể khiến đầu chúng ta  "nổ tung"?

Mặc dù khá phổ biến, các nhà khoa học hiện vẫn chưa đào sâu nghiên cứu về hội chứng đầu nổ tung, khiến nó vẫn còn là một bí ẩn và dễ bị hiểu lầm là một sự mặc khải như Descartes đã hiểu.

Một nghiên cứu trên tạp chí Sage năm 2017 cho biết có khoảng 11% dân số trưởng thành đã từng trải qua giấc mơ như của Descartes ít nhất một lần trong đời, có nghĩa là họ cũng từng thức dậy với cái đầu "nổ tung", sau khi nghe thấy một tiếng động lớn như tiếng súng, tiếng trống, tiếng đóng sầm cửa…

Một nghiên cứu khác trên tạp chí Journal of Sleep Research thậm chí phát hiện 17% sinh viên đại học từng gặp phải EHS. Một nghiên cứu khác thậm chí tìm ra tỷ lệ phổ biến hơn, lên tới 33% số mẫu và khoảng 6% gặp hội chứng đầu nổ tung mỗi tháng một lần.

Vì vậy, những giấc mơ mặc khải như của Descartes không phải quá hiếm. Vậy nguyên nhân của nó là gì? Những giấc mơ này đã bắt đầu từ đâu? Tại sao đang ngủ chúng ta lại có thể tỉnh dậy với một tiếng nổ ở trong đầu?

Bởi hội chứng đầu nổ là một rối loạn xuất phát trong trạng thái chạng vạng giữa ngủ và thức, các nhà khoa học nghi ngờ nó phải xuất phát từ cấu trúc lưới của não. Cấu trúc lưới là một tập hợp các cấu trúc não nằm chủ yếu ở thân não và vùng dưới đồi, hoạt động như một công tắc "bật-tắt" cho não.

Khi hoạt động của cấu trúc lưới chậm lại, trong quá trình chúng ta chuyển từ trạng thái thức sang giấc ngủ, vỏ não cảm giác của chúng ta cũng sẽ ngừng hoạt động. Đây là khu vực điều khiển thị giác, thính giác và chuyển động cơ bắp của chúng ta, ngăn không cho chúng ta mộng du vào ban đêm.

Một sự bất thường nào đó xảy ra ở cấu trúc lưới của não sẽ dẫn tới việc công tắc này bị tắt hoặc bật đột ngột, gây ra các tín hiệu kích thích tới thị giác và thính giác của chúng ta. Hậu quả là chúng ta sẽ nghe thấy những tiếng nổ và gặp ảo giác thị giác như một luồng ánh sáng mạnh.

Nó có thể tương tự như hiện tượng bạn bật hoặc tắt một công tắc điện và thấy ánh lửa tóe ra khỏi đó.

Cấu trúc lưới của não

Nhiều tình trạng bệnh lý có thể dẫn tới tình huống này bao gồm:

  • Một cơn động kinh nhẹ ở thùy thái dương
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)
  • Tổn thương hoặc rối loạn cấu trúc tai trong
  • Hội chứng hậu ngừng thuốc chống trầm cảm
  • Rối loạn chức năng kênh canxi trong não bộ
  • Rối loạn lo âu hoặc căng thẳng

5. Hội chứng này có nguy hiểm không?

Đối với riêng Descartes, nguyên nhân của giấc mơ đầu nổ tung của ông có thể đến từ một khối u lớn bên trong đầu.

Như chúng ta đã biết, Descartes không sống thọ. Ông đột ngột qua đời khi mới 53 tuổi, vào năm 1950, trong một chuyến đi tới triều đình Thụy Điển để giảng bài cho Nữ hoàng Christina.

Cái chết của ông hiện vẫn còn để lại nhiều tranh cãi. Theodor Ebert, một nhà triết học người Đức cho rằng Descartes đã chết vì bị đầu độc bởi những nhà truyền đạo Công giáo Thụy Điển, những người thấy bất đồng với quan điểm tôn giáo mà ông đã trình bày trước hoàng gia.

Descartes mất năm 53 tuổi

Tuy nhiên theo các tài liệu chính thống, Descartes đã chết đơn giản vì mắc bệnh viêm phổi. Sau khi mất, thi hài của ông được chôn cất tại Stockholm. 16 năm sau, những người Pháp muốn dời một của Descartes về Pháp đã thực hiện một nghi lễ cải táng cho ông.

Mộ phần của Descartes được đào lên, thi hài của ông sau đó được đưa về nhà thờ Saint-Geneviève-du-Mont ở Paris. Tuy nhiên, trong quá trình này, phần hộp sọ của Descartes đã bị một người lính canh tên là Planström đánh cắp.

Planström đang mắc phải một khoản nợ lớn, nên hắn đã làm liều và bán hộp sọ của nhà triết học lỗi lạc người Pháp cho một kẻ sưu tầm cổ vật. Hộp sọ của Descartes sau đó đã lưu lạc hơn 150 năm, từ hết bộ sưu tầm của người này qua tay người khác, cho đến khi nó được mua lại bởi một ông trùm sòng bạc ở Thụy Điển.

Mãi tới năm 1821, sau khi Jöns Jakob Berzelius, một trong những nhà hóa học tiên phong người Thụy Điển, biết được điều này, ông mới mua lại hộp sọ của Descartes và trao tặng lại nó cho nước Pháp.

Kể từ đó, hộp sọ của Descartes mới được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Musée de l'Homme ở Paris.

Hộp sọ của Descartes

Năm 2014, một nhóm nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp đã tiến hành chụp ảnh cắt lớp (CT) hộp sọ của Descartes và bất ngờ phát hiện ông có một khối u khổng lồ trong xoang sàng.

Mặc dù là một khối u lành tính, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng chính khối u này đã khiến nhà triết học người Pháp thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau nửa đầu, kèm theo ảo giác về thính giác và thị giác.

Không loại trừ, chính nó đã ảnh hưởng tới hệ thống não lưới của Descartes khiến ông có trải nghiệm về giấc mơ mặc khải, mà giờ chúng ta biết đó là hội chứng đầu nổ tung.

Các nhà khoa học cho biết trong đa số các trường hợp, hội chứng đầu nổ tung không nguy hiểm. Nó chỉ gây ra cảm giác sợ hãi và hoảng loạn, với 45% các trường hợp được báo cáo, nhưng hầu như không gây đau đớn.

Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm khác biệt giữa hội chứng đầu nổ tung lành tính và một thứ gì đó tiềm ẩn nguy hiểm hơn tới sức khỏe của bạn.

Đa số các trường hợp mắc hội chứng đầu nổ tung đều là lành tính

Các bác sĩ cho rằng nếu hội chứng đầu nổ tung của bạn đi kèm với cơn đau, hoặc co giật thì bạn cần phải đi khám ngay để loại trừ các khối u trong đầu. Còn nếu không, tình trạng này - không giống như cái tên đáng sợ của nó - là lành tính.

Vì vậy lần tới, khi bạn đột ngột tỉnh giấc và thấy một tiếng nổ lớn trong đầu như tiếng súng, tiếng đóng sầm cửa hoặc tiếng sấm sét, hãy yên tâm, đó chỉ là ảo giác mà thôi. Không có gì phải sợ hãi, thế giới ngoài kia chưa hề bị nổ tung, thành phố của bạn chưa bị đánh bom hạt nhân và chẳng có thiên thạch nào va vào Trái Đất cả.

Còn nếu tự tin hơn, khi gặp phải hội chứng đầu nổ tung, bạn hãy thử nghĩ suy ngẫm những câu hỏi sâu sắc như Descartes mà xem: "Quod vitae sectabor iter?" (Tôi sẽ theo đuổi con đường nào trong cuộc đời?), biết đâu, bạn lại có một khoảnh khắc kỳ diệu cho riêng mình?

Cập nhật: 10/10/2024 thanhnienviet
  • 1.189