Lý giải hiện tượng bia sủi bọt khi bị đập vào miệng chai

Giải mã bí ẩn về chai bia sủi bọt
  •   4,52
  • 5.239

Bí mật đập nhẹ vào miệng một chai bia mới khui nắp của ai đó, rồi đứng lùi ra xa nhìn bọt sủi tràn xuống sàn là một mẹo cổ điển để gây sự phấn khích trong các bữa tiệc. Các nhà nghiên cứu Pháp và Tây Ban Nha vừa khám phá ra nguyên lý khoa học ẩn sau hiện tượng này.

Javier Rodriguez-Rodriguez - người đứng đầu nghiên cứu đến từ Đại học Carlos III (Tây Ban Nha) cho biết, hiện tượng sủi bọt là một cơ chế, trong đó các bong bóng sẽ xuất hiện trong một chất lỏng như bia sau khi va chạm. Hiện tượng này có liên quan đến các lo ngại kỹ thuật phổ biến, chẳng hạn như sự ăn mòn chân vịt của tàu thủy.

Sau một cú đập nhẹ bất ngờ vào miệng chai bia, vận động tới lui của các sóng ép nén và giãn nở sẽ khiến các bong bóng xuất hiện và tan vỡ nhanh chóng.

Kết quả nghiên cứu những tương tác chất lỏng bên trong chai bia cho thấy, sự tan vỡ của các bong bóng "mẹ" hình thành từ việc sủi bọt đã tạo ra những đám mây bong bóng khí carbonic "con", rất nhỏ nhưng phát triển và phình to nhanh hơn bong bóng "mẹ". Sự giãn nở nhanh chóng của các bong bóng "con" đã dẫn đến hiện tượng bọt sủi lên trên, hình thành các chùm bong bóng có hình dạng rất giống cây nấm như quan sát được sau một vụ nổ lớn.

"Và đây là lí do khiến bọt hình thành dễ nổ đến như vậy: các bong bóng càng lớn, chúng càng nổi nhanh hơn và ngược lại. Điều này là vì, các bong bóng di chuyển nhanh chóng sẽ bắt nhốt được nhiều khí carbonic hơn", ông Rodriguez giải thích.

Sự giãn nở nhanh chóng của các bong bóng "con" đã dẫn đến hiện tượng bọt sủi lên trên
Sự giãn nở nhanh chóng của các bong bóng "con" đã dẫn đến hiện tượng bọt sủi lên trên.

Tiến sĩ Rodriguez tiết lộ, công trình của ông và các cộng sự nhằm lý giải tính năng của quá trình phi khí hóa xảy ra bên trong một chai bia, trong vòng vài giây đầu tiên sau va chạm. Về mặt thực tiễn, khám phá này cũng có thể ứng dụng cho các hệ thống kỹ thuật khác và giúp các chuyên gia hiểu rõ những hiện tượng nghiêm trọng trong tự nhiên, chẳng hạn như sự giải phóng đột ngột khí carbon dioxite trong thảm họa Hồ Nyos ở Cameroon năm 1986, gây ngạt thở 1.700 người sống gần đó.

Cập nhật: 26/01/2018 Theo Vietnamnet, Daily Mail
  • 4,52
  • 5.239