Xe tự hành mặc dù mang đến sự tiện dụng cho chủ nhân, nhưng nếu xảy ra trục trặc, nó sẽ đe dọa đến những người tham gia giao thông khác, đặc biệt là người đi bộ. Thấy được điều đó, Google đã phát minh ra giải pháp nhằm giảm thiểu chấn thương nếu có sự cố xảy ra: một lớp chất kết dính trên nắp capo và mũi xe. Trong bằng sáng chế đã đăng ký, Google mô tả nó là "một lớp keo dính phủ trên mặt trước của chiếc xe", giúp người đi bộ dính vào "trong một vụ va chạm".
"Chất keo này sẽ giúp người đi bộ dính vào chiếc xe và cùng xe lao tới, cho đến khi nó dừng lại, và không ném người văng ra khỏi xe". Mặc dù nghe có vẻ buồn cười, nhưng nó có thể giải quyết được các vấn đề nghiêm trọng. Theo một số thông tin có trong bằng sáng chế, nhiều vụ tai nạn khiến người ta bị thương không gây ra bởi va chạm ban đầu, nhưng khi người đi bộ bị chiếc xe hất xuống đất, hậu quả nghiêm trọng hơn mới xảy đến. Tất nhiên, lái xe với một lớp phủ trên nắp capo cũng không phải là một ý hay, vì nó "tương tự như giấy bắt ruồi hay băng keo hai mặt", nghĩa là bạn sẽ gom hết bụi bẩn hay thứ gì đó lên xe của mình. Do đó, Google đã hình dung ra một lớp "vỏ trứng" bên ngoài, che đi lớp keo dính. Đặc biệt là lớp vỏ này sẽ bị phá vỡ ngay lập tức khi xe gặp tai nạn.
Dùng keo dính để đảm bảo an toàn cho người đi bộ cũng có những vấn đề riêng nó. (Ảnh: USPTO)
Ngoài việc trình bày ý tưởng của mình, bằng sáng chế của Google cũng có nhắc đến những giải pháp của nhà sản xuất khác, trong nỗ lực ngăn ngừa chấn thương cho người đi bộ sau một vụ va chạm. Một trong số đó phải kể đến như hệ thống được phát triển bởi Jaguar, giúp nắp capo nâng lên khi va chạm xảy ra, làm giảm xung lực tác dụng lên những người đi bộ không may.
Volvo trong khi đó có hẳn một hệ thống túi khí nằm trong nắp ca-pô, và bung ra khi va chạm. Tuy nhiên theo Google, không giải pháp nào đưa ra có thể giải quyết những tổn thương tiềm năng, khi một người đi bộ bị hất khỏi xe.
Mặc dù vậy, dùng keo dính để đảm bảo an toàn cho người đi bộ cũng có những vấn đề riêng nó. Giáo sư Bryant Walker Smith đến từ Đại học Luật Stanford (Mỹ), cho rằng tính hiệu quả của ý tưởng trong bằng sáng chế sẽ phải phụ thuộc vào "sự hỗn loạn của tình hình". Ví dụ, một người đi bộ nếu trước đây va chạm với xe hơi sẽ bị bật ra, thì nay với công nghệ mới, họ sẽ bị mắc kẹt ở đó, làm khuất tầm nhìn của người lái và có thể khiến họ đâm vào một chiếc xe hay thứ gì đó khác, đe dọa tính mạng của người đi bộ này cũng như người trong xe. Nói cách khác, giải pháp nào cũng tồn tại những hạn chế riêng.
Ngoài ra, ông Smith cũng cho biết thêm rằng mặc dù vẫn còn đó những mối quan tâm, song Google sẽ vẫn được ca ngợi vì đã nghĩ đến sự an toàn của mọi người, ngoài tài xế và hành khách. "Ý tưởng cho rằng chiếc xe nên đảm bảo an toàn cho người khác hơn, so với những người ngồi bên trong, rõ ràng là một bước tiến mới trong an toàn giao thông ô tô", ông nói. "Tôi hoan nghênh bất cứ ai có tư duy này, và nên như thế, quan tâm đến những con người bên ngoài chiếc xe".