Hai loại âm thanh tự nhiên rất tốt cho sức khỏe

  •  
  • 1.188

Theo nghiên cứu mới công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, nhà sinh vật học Rachel Buxton tại Ðại học Carleton (Canada) và đồng nghiệp cho biết những âm thanh tự nhiên như tiếng nước chảy và tiếng chim hót có thể tạo ra nhiều hiệu ứng sức khỏe tích cực.


Các đô thị cần có thêm mảng xanh, tương tự như Vườn thượng uyển Gardens by the Bay của Singapore. (Ảnh: wordpress)

Trong nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã khảo sát sự phân bố của âm thanh tự nhiên cùng với tiếng ồn từ các hoạt động của con người tại 221 địa điểm trên 68 vườn quốc gia. Ðiều thú vị là ngay cả ở những công viên quốc gia nổi tiếng với lượng khách đông đúc và mức độ tiếng ồn cao hơn, các âm thanh tự nhiên vẫn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Cụ thể là chúng giúp giảm đau, cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng tinh thần và nâng cao chức năng nhận thức.

Một trong những kết quả thú vị nhất từ ​​nghiên cứu này là âm thanh tự nhiên và tiếng ồn có lợi cho sức khỏe hơn là chỉ có mỗi tiếng ồn. “Nếu bạn sống trong một khu vực thành phố bị ô nhiễm tiếng ồn, điều đó sẽ rất hại sức khỏe so với sống ở khu vực đô thị mà bạn nghe được những âm thanh tự nhiên và cả tiếng ồn” - bà Buxton nói thêm.

Nghiên cứu chứng thực trong khi tiếng nước chảy tự nhiên có hiệu quả nâng cao sức khỏe tốt nhất, thì tiếng chim hót có khả năng phục hồi sự chú ý và tăng cảm giác thân thuộc, dễ chịu đối với không gian âm thanh.

Ðể tìm hiểu sâu hơn, bà Buxton và cộng sự đã tiến hành phân tích tổng hợp 18 ấn phẩm khoa học nhằm kiểm tra lợi ích sức khỏe của dòng nước chảy tự nhiên, như lượng mưa hoặc thác nước, tiếng chim và tiếng ồn từ các hoạt động của con người để đối chứng. Các nghiên cứu được thực hiện ở 11 quốc gia và 8 nghiên cứu tại Thụy Ðiển. Kết quả phân tích cho thấy âm thanh tự nhiên rất quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là tiếng nước chảy mạnh, khi nó giúp khỏa lấp tiếng ồn từ giao thông và các hoạt động khác của con người. Các chuyên gia cho biết nghiên cứu cũng có thể thúc đẩy hoạt động cải tạo cảnh quan đô thị nhằm tăng không gian âm thanh tự nhiên cho môi trường sống.

Ðồng tác giả George Wittermyer, Phó giáo sư sinh học bảo tồn tại Ðại học Colorado (Mỹ), cho biết mục đích của nghiên cứu là khuyến khích mọi người dành thời gian đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên và tự do trải nghiệm tiếng ồn trong môi trường. “Lần tới, khi đi dạo ở trong công viên hoặc không gian xanh yêu thích, bạn chỉ cần nhắm mắt lại và cảm nhận những âm thanh tự nhiên xung quanh mình” - chuyên gia Buxton gợi ý.

Cập nhật: 27/03/2021 Theo Báo Cần Thơ
  • 1.188