Henry, được coi là một trong những hóa thạch sống cuối cùng của động vật bò sát thời tiền sử, sẽ trở thành bố trong vài tháng tới sau 40 năm không thể giao phối vì một khối u.
Tuatara là loài bò sát có hình dạng giống thằn lằn và chỉ sống ở New Zealand. Chúng được coi là một trong những hậu duệ cuối cùng còn sống của loài khủng long từng thống trị Trái Đất cách đây khoảng 225 triệu năm.
Henry đã “cặp kè” với Mildred, một con tuatara cái có độ tuổi từ 70 đến 80 năm, tại Bảo tàng Southland của New Zealand, từ đầu năm 2008. Cặp đôi này đã sản sinh ra 12 quả trứng vào giữa tháng 7. Những quả trứng sẽ nở trong vòng 6 tháng tới.
|
Ảnh chụp Henry vào năm 2001. Ảnh: dailymail.co.uk. |
“Cụ” Henry sống ở khu vực đặc biệt dành cho tuatara tại Bảo tàng Southaland từ năm 1970 nhưng tỏ ra không quan tâm tới việc tìm kiếm bạn tình và giao phối. Mãi gần đây người mới phát hiện ra thủ phạm khiến
“cụ” trở nên lãnh cảm với tình dục. Đó là một khối u ở bộ phận sinh dục của nó. Sau khi khối u được cắt bỏ, ham muốn
“chăn gối” của Henry đã phục hồi. Hiện giờ nó đang chăm sóc ba con tuatara cái và có thể giao phối lần thứ hai vào tháng 3 năm sau.
“Với loài tuatara, quá trình hưng phấn tình dục có thể kéo dài vài năm. Vì thế chúng ta phải kiên nhẫn”, Lindsay Hazley, người phụ trách khu vực dành cho tuatara, nói
Lindsay cho biết, Henry chưa bao giờ giao phối trong tình trạng nuôi nhốt, nhưng không rõ nó đã bao giờ làm điều tương tự ngoài thiên nhiên hay chưa. Những con tuatara đực bước vào giai đoạn trưởng thành ở độ tuổi 20. Theo ước tính của các nhà khoa học, số lượng tuatara ở New Zealand vào khoảng 50.000 con.