Hệ thống cảnh báo sóng thần bị phá

  •  
  • 501

Số người chết trong thảm họa sóng thần ở Indonesia đã tăng lên 343 người, 34 người chết vì núi lửa Merapi và vẫn còn 338 người mất tích hôm 28-10.

>>> Núi lửa, sóng thần Indonesia giết 182 người
>>> Đáy biển trồi sụt sẽ gây sóng thần
>>> Số người chết vì sóng thần Indonesia tăng lên hơn 100

Các quan chức ứng phó thảm họa cho biết thêm nhiều thi thể nạn nhân được tìm thấy trên bãi biển và vùng ven biển dọc theo quần đảo Mentawai, nơi xảy ra trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ngoài khơi đêm 25-10.


Thi thể những nạn nhân sóng thần được tìm thấy trên đảo North Pagai hôm 27-10. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono ngày 28-10 đến thị sát những nơi bị sóng thần tàn phá trên quần đảo Mentawai.

Cùng ngày, một con tàu chở hàng cứu trợ và túi đựng thi thể đã đến đảo North Pagai, một trong hai hòn đảo bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sóng thần. Phóng viên AFP đi cùng cho biết hàng trăm người bị thương đang được điều trị tại một cơ sở y tế địa phương.

Con số thương vong leo thang trong bối cảnh xuất hiện những câu hỏi về tính hiệu quả của hệ thống cảnh báo sóng thần được lập ra sau thảm họa sóng thần vào cuối năm 2004.

Theo hãng tin AFP, cảnh báo sóng thần đã được đưa ra sau trận động đất nhưng hoặc là cảnh báo được đưa ra quá muộn hoặc nó không đến được những cộng đồng gặp nhiều nguy cơ nhất.

Borinte, một người sống sót trên đảo North Pagai, cho hãng tin AFP biết: “Khoảng 10 phút sau khi động đất xảy ra, chúng tôi nghe một âm thanh to như tiếng sấm.

Chúng tôi chạy ra ngoài và nhìn thấy sóng thần đang đến. Chúng tôi cố chạy lên vùng đất cao hơn nhưng sóng thần di chuyển nhanh hơn chúng tôi
”.

Theo đài BBC (Anh), người dân địa phương không biết gì về sóng thần do một phần hệ thống cảnh báo sóng thần đã ngưng hoạt động.

Ông Ridwan Jamaluddin, một quan chức Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng công nghệ Indonesia, cho biết 2 chiếc phao thuộc hệ thống cảnh báo sóng thần ở ngoài khơi quần đảo Mentawai đã bị phá hoại nên không hoạt động được. Ông nói: “Chúng tôi không nói chúng bị hư mà là bị phá hoại. Những thiết bị này rất đắt tiền”.

Trong khi đó, con số người thiệt mạng vì núi lửa Merapi trên đảo Java đã tăng lên ít nhất 34 người. Hơn 50.000 người đã rời bỏ nhà cửa để đến những nơi trú ẩn khẩn cấp tại thành phố Yogyakarta gần đó.

Dù vậy, vẫn còn hàng ngàn người từ chối sơ tán trước khi núi lửa Merapi phun trào hôm 26-10 và người ta lo ngại con số thương vong có thể còn tăng.

Theo Người lao động
  • 501