Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) là từ ngữ khá quen thuốc với người dân khi có hiện tượng thiên nhiên bất thường xảy ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiều đúng về hai hiện tượng thiên nhiên này.
Theo khoa học, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) được gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) là một vùng gió xoáy, có đường kính tới hàng trăm kilômét, hình thành trên vùng biển nhiệt đới. Ở Bắc bán cầu, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
Áp suất khí quyển trong bão thấp hơn rất nhiều so với xung quanh và thường dưới mức 1000mb. Sự chênh lệch về khí áp ở vùng tâm bão với các vùng xung quanh là nguyên nhân gây ra tốc độ gió bão rất lớn.
Bão, ATNĐ có thể ví như một chiếc bánh khổng lồ, khi cắt đôi chiếc bánh đó ta thấy bên trong nó cũng có nhân bánh đó là mắt bão và thành mắt bão.
Như vậy có thể xem bão là một vùng gió xoáy từ các phía thổi vào trung tâm bão, càng gần trung tâm thì gió càng mạnh, có khi lên đến vài trăm cây số một giờ, nhưng chính giữa lại là một vùng gió tương đối nhẹ hay lặng gió gọi là mắt bão. Không khí chung quanh dồn vào giữa không phải theo những đường thẳng mà theo hình xoắn ốc.
Trong một trận bão, ở tầng gần mặt đất không khí bốn bề di chuyển vào giữa, đến vùng giữa bão thì không khí chuyển động lên cao rồi toả ra tứ phía. Bão bắt nguồn từ các vùng biển nhiệt đới, làm chuyển động một khối không khí ẩm rất lớn. Khối không khí ẩm này chuyển động lên cao thì hơi nước mà nó chứa ngưng tụ lại thành mây và gây ra mưa, cho nên vùng bão không những có gió mạnh mà lại có mây dày đặc phủ kín và mưa nhiều.
Một cơn bão mạnh đang tiến vào đất liền. (Ảnh minh họa).
Khi áp thấp nhiệt đới đủ mạnh vì liên tục phát triển đủ năng lượng để thu hút gió và hơi nước mạnh lên sẽ hình thành bão nhiệt đới. Bão nhiệt đới là danh từ được dịch từ tiếng Anh “tropical storm”. Sự khác biệt giữa áp thấp nhiệt đới và bão nhiệt đới được phân biệt theo cấp gió.
Theo sự phân chia cấp gió của đô đốc hải quân người Ireland là Francis Beautfort, thì gió được chia thành 13 cấp từ 0 tới 12. Khi gió xoáy mạnh từ cấp 6-7 được gọi là áp thấp nhiệt đới.
Ngày nay, đôi khi cấp gió bão được miêu tả như là cấp trong thang Beaufort từ 12 tới 16, có liên quan gần đúng với cấp tốc độ tương ứng của thang bão Saffir-Simpson, trong đó các trận bão thực sự được đo đạc, trong đó cấp 1 của thang bão Saffir-Simpson tương đương với cấp 12 trong thang Beaufort. Tuy nhiên, các cấp mở rộng trong thang sức gió Beaufort trên cấp 13 không trùng khớp với thang bão Saffir-Simpson.
Danh từ “typhoon” được dùng trong vùng biển Đông và tây bắc Thái Bình Dương; “hurricane” trong vùng Đại Tây Dương; và “tropical cyclone” trong vùng Ấn Độ Dương.