Hồ sâu nhất nước Mỹ hình thành từ miệng núi lửa

  •  
  • 179

Hồ Crater ở Oregon, hình thành từ miệng núi lửa, có độ sâu 592m và chứa nước trong vắt, là một trong 10 hồ ấn tượng trên Trái đất.

Theo Mother Nature Network, hồ Crater nằm trong khu vực Vườn quốc gia Crater Lake, bang Oregon, Mỹ là một trong những hồ miệng núi lửa mang tính biểu tượng tại Mỹ. Người dân địa phương ở đây tin rằng, ngọn núi sụt lún do trận chiến giữa thần cai quản địa ngục Llao và thần bầu trời Skell.

Đảo Wizard là một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của Hồ Crater.
Đảo Wizard là một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của Hồ Crater. (Ảnh: NPS Photo/Kim Chamales).

Với độ sâu 592m, hồ Crater được ví nếu xếp chồng 6 bức tượng Nữ thần Tự do lên nhau thì vẫn chưa chạm tới mặt nước. Đúng như tên gọi, hồ Crater là một miệng núi lửa chứa đầy nước. Theo Chương trình Núi lửa Toàn cầu của Viện Smithsonian, nó được hình thành vào khoảng 7.700 năm trước khi núi lửa Mazama sụp đổ sau một trong những vụ phun trào mạnh mẽ nhất trong 12.000 năm qua.

Theo thời gian, miệng núi lửa này dần chứa đầy nước từ mưa và tuyết tan. Hồ không có sông chảy vào hoặc ra, nguồn nước duy nhất đến từ lượng mưa, khiến nước trong hồ cực kỳ trong và có màu xanh đậm.

Giữa lòng hồ có hai hòn đảo Wizard và Phantom Ship, được đặt tên như vậy vì nó trông giống một con tàu ma bí ẩn nổi lên từ mặt nước. Nơi đây cũng là nhà của "ông già hồ", một gốc cây cao 9m nổi thẳng đứng trên mặt hồ đã hơn một thế kỷ.

Tổng diện tích mặt nước hồ Crater là 53km2, tương đối nhỏ so với độ sâu khổng lồ của nó. Khu vực này của Oregon thường có tuyết rơi dày vào mùa đông, nhưng hồ hiếm khi đóng băng hoàn toàn do chứa một lượng nước lớn trong khi diện tích bề mặt lại tương đối nhỏ. Theo Cục Công viên Quốc gia, lần cuối cùng hồ Crater đóng băng là vào năm 1949.

Đôi khi, vào mùa hè, một lớp chất nhờn màu vàng lạ thường tích tụ trên bề mặt hồ. Mặc dù du khách thường lo lắng đó là một loại ô nhiễm hóa học, nhưng thực chất đó là phấn hoa tự nhiên từ những cây thông xung quanh.

Không có loài cá nào bản địa ở hồ Crater, nhưng một số loài đã được đưa vào từ năm 1888 đến năm 1941 để phục vụ mục đích câu cá. Hiện nay, hai loài vẫn đang phát triển mạnh là cá hồi kokanee và cá hồi vân. Trong hồ còn có kỳ giông da nhám phổ biến với màu sắc khác thường, bụng sẫm màu và có những đốm đen giống như báo. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm nai sừng tấm, hươu đuôi đen, gấu đen Mỹ, sư tử núi, thỏ đá Mỹ và đại bàng đầu trắng.

Cập nhật: 21/10/2024 VnExpress
  • 179