Vụ phun trào núi lửa khiến chiếc hang nơi hai con khủng long chân chim đang ngủ bị sụp đổ đột ngột và chôn vùi chúng.
Xác chết được bảo quản nguyên vẹn của hai con bò sát dài gần 1,1 mét trông chân thực đến mức các nhà nghiên cứu đặt tên cho phát hiện mới là Changmiania liaoningensis, có nghĩa "vật ngủ say vĩnh viễn đến từ Liêu Ninh". Họ đặt giả thuyết hai mẫu vật C. liaoningensis bị mắc kẹt đột ngột trong hang động dưới lòng đất khi đang nằm nghỉ ngơi. Điều này có thể lý giải tư thế hoàn hảo sinh động của đôi khủng long và nguyên nhân xác của chúng không bị hư hại.
Phục dựng từ hóa thạch của Changmiania liaoningensis. (Ảnh: Live Science).
Các nông dân ở tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện hai mẫu vật. Bảo tàng C Khảo cổ Liên Ninh đang lưu trữ xác chết hóa thạch của vật C. liaoningensis. Nhóm nghiên cứu quốc tế đến từ Trung Quốc, Argentina và Bỉ tiến hành kiểm tra đặc điểm cơ thể của con vật. Họ công bố kết quả phân tích hôm 8/9 trên tạp chí PeerJ.
Phân tích của các nhà nghiên cứu hé lộ C. liaoningensis là khủng long chân chim, một loài khủng long đi bằng hai chân. Dựa theo chân sau khỏe khoắn và chiếc đuôi dài cứng của nó, nhóm nghiên cứu suy đoán C. liaoningensis chạy rất nhanh. Hơn nữa, nó cũng là chuyên gia đào hang. "Một số đặc điểm của bộ xương cho thấy C. liaoningensis có thể đào hang, tương tự thỏ ngày nay", Pascal Godefroit, nhà cổ sinh vật học ở Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ, cho biết. "Cổ và cẳng tay nó rất ngắn nhưng vạm vỡ và phần mõm giống như chiếc xẻng".
Thành hệ Lujiatun, nơi tìm thấy mẫu vật, nổi tiếng với nhiều hóa thạch đặc biệt được bảo quản nhờ vụ phun trào núi lửa cổ đại. Các nhà nghiên cứu suy đoán chiếc hang chứa bộ xương của C. liaoningensis bị sụp đổ khi luồng mạt vụn núi lửa tràn qua. Tư thế sống động của hai con khủng long chứng tỏ chúng bị chôn vùi nhanh chóng trong lúc còn sống.