Hóa thạch cá voi khổng lồ phát lộ trong rừng rậm

  •  
  • 256

Bộ xương cổ đại gần như nguyên vẹn dài hơn 15m nhô lên trong rừng có thể thuộc về cá voi xanh hoặc cá voi vây.

Hồi tháng 5/2022, trong khi tìm kiếm cùng nhà sưu tập Zhang Yumu ở địa phương, Zhou Wenbo, một thành viên trong đội khai quật hóa thạch cá voi tại Viện Khảo cổ thuộc Đại học Quốc lập Thành Công, tìm thấy 4 chiếc xương sườn cá voi nhô trên nền đất ở sâu trong rừng. Sau một hồi đào xới, họ liên lạc với nhà nghiên cứu Yang Zirui ở trường đại học, Newsweek hôm 6/12 đưa tin.

 Chiếc xương hàm cá voi dài hơn một người trưởng thành.
Chiếc xương hàm cá voi dài hơn một người trưởng thành. (Ảnh: NCKU).

Hóa thạch hoàn chỉnh gần 70% ước tính thuộc về một con cá voi xanh lớn hoặc cá voi vây sống cách đây khoảng 85.000 năm. Phần xương bả vai, xương hàm, mặt sau hộp sọ và xương sống đuôi đều còn nguyên vẹn, theo thông báo của Đại học Quốc lập Thành Công.

Cá voi tiến hóa từ động vật ở cạn, tách ra từ tổ tiên chung là hà mã cách đây khoảng 50 triệu năm. Cá voi xanh, động vật lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất, có thể dài tới 30m, xếp sau chúng là cá voi vây với chiều dài 26m. Mẫu vật cổ nhất về cá voi xanh hiện đại từng được tìm thấy là hóa thạch hộp sọ ở nam Italy. Cá voi xanh và cá voi vây có họ về mặt tiến hóa, phát triển thành các loài riêng biệt từ tổ tiên chung khoảng 3,5 triệu năm trước.

Khu vực Tougou ở Hằng Xuân là một điểm nóng hóa thạch. Nhiều hóa thạch vỏ sò, cá mập, cua và xương cá voi đã được phát hiện ở đó. Mẫu vật hóa thạch cá voi dài hơn 15m được khai quật trong 90 ngày bởi Yang, trợ lý giáo sư tại khoa Khoa học Trái Đất ở Đại học Quốc lập Thành Công cũng như các nhà nghiên cứu đến từ Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia và nhóm sinh viên ở Đại học Công nghệ Thành Đô.

Tổng cộng 8 người vận chuyển bộ xương bằng cáng gỗ trên địa hình gồ ghề và rậm rạp của khu rừng. Hiện nay, hóa thạch đang được lưu trữ ở Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia. Theo trường đại học, phần xương hàm cá voi nặng 334kg và dài 223cm. Zhuang Jingren, tình nguyện viên cứu hộ, cho biết anh chưa bao giờ trông thấy chiếc xương hàm nào dài hơn 98cm.

Bộ xương đại diện cho hóa thạch động vật có vú lớn thứ hai ở Đài Loan, sau hóa thạch tê giác năm 1971. Bộ xương nằm ở Tả Trấn thuộc về loài tê giác hayasaka chỉ sống ở Đài Loan vào thế Canh Tân từ 11.700 năm đến 2,5 triệu năm trước.

Nhóm chuyên gia ở bảo tàng sẽ tiếp tục làm sạch mẫu vật xương cá voi. Các nhà khoa học hy vọng có thể nghiên cứu thêm hóa thạch nhằm hiểu rõ cách cá voi thích nghi với thay đổi môi trường từ kỷ băng hà tới nay.

Cập nhật: 09/12/2022 VnExpress
  • 256