Hoa tím nở rộ trên sa mạc khô cằn nhất thế giới

  •  
  • 422

Năm nay, hiện tượng nở hoa trên sa mạc Atacama xảy ra sớm một cách bất thường thay vì vào mùa xuân như những năm trước.

Nằm ở miền Bắc Chile, sa mạc Atacama nổi tiếng là một trong những khu vực khô cằn nhất trên Trái đất. Những ngày này, một cảnh tượng kỳ diệu đang xảy ra ở Atacama: những dải cát vốn cằn cỗi giờ đây được tô điểm bằng một thảm hoa màu trắng và tím rực rỡ.

Hoa tím nở rộ trên sa mạc Atacama hôm 6-7-2024
Hoa tím nở rộ trên sa mạc Atacama hôm 6-7-2024 - (Ảnh: REUTERS).

Sắc tím lãng mạn trên sa mạc Atacama
Sắc tím lãng mạn trên sa mạc Atacama - (Ảnh: REUTERS).

 Những hạt giống nảy mầm, lớn lên và trổ hoa sau thời gian "ngủ yên"
Những hạt giống nảy mầm, lớn lên và trổ hoa sau thời gian "ngủ yên" - (Ảnh: jang.com.pk).

Ngoài hoa tím còn có cả những bông hoa trắng xinh xắn
Ngoài hoa tím còn có cả những bông hoa trắng xinh xắn - (Ảnh: REUTERS).

Được biết đến với cái tên Disierto Florida (Sa mạc nở hoa), cứ vài năm một lần, sa mạc Atacama lại được phủ đầy hoa khi lượng mưa và nhiệt độ thích hợp đánh thức những hạt giống đang ngủ yên.

Thường được quan sát thấy vào mùa xuân, tuy nhiên năm nay hiện tượng nở hoa trên sa mạc lại xảy ra sớm một cách bất thường, vào giữa mùa đông ở Nam bán cầu.

Một trong những nguyên nhân là do lượng mưa tăng lên đáng kể liên quan tới El Nino, một hiện tượng khí hậu tự nhiên ảnh hưởng đến thời tiết toàn cầu bằng cách làm tăng nhiệt độ khu vực và thúc đẩy sự bốc hơi nhiều hơn.

Theo một phân tích năm 2022 của các chuyên gia thuộc Đại học Công giáo Chile, trong 40 năm qua, sa mạc Atacama đã chứng kiến 15 lần phủ sắc hoa tím.

Ông Cesar Pizarro, người phụ trách công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Tổng công ty Lâm nghiệp quốc gia (CONAF), cho rằng mặc dù đợt nở hoa hiện tại chưa đủ rộng để chính thức được coi đây là một phần của "sa mạc nở hoa", song các chuyên gia dự đoán lượng mưa lớn có thể khiến hoa nở rộ trên một diện tích lớn hơn.

Năm 2022, Chính phủ Chile tuyên bố thành lập một công viên quốc gia mới ở sa mạc Atacama nhằm bảo tồn những loài hoa quý hiếm cùng hệ động vật hoang dã gồm các loài côn trùng, bò sát và chim.

Cập nhật: 13/07/2024 Tuổi Trẻ
  • 422