Tại sao những người thông minh thường hay nghi ngờ năng lực của bản thân?

Hội chứng kẻ mạo danh: Nỗi sợ của nhiều nữ doanh nhân
  •   52
  • 4.300

"Hội chứng kẻ mạo danh" (Impostor Syndrome) là một cái tên nghe có vẻ thật ngớ ngẩn. Tuy nhiên đây thật sự là một vấn đề nghiêm trọng mà các chuyên gia tâm lý, tâm thần học đang cố gắng bàn luận nguyên nhân và giải pháp chữa trị triệt để.

Hội chứng kẻ mạo danh là gì?

Hội chứng kẻ mạo danh là một hiện tượng tâm lý mà người mắc không có khả năng nhận thức được những thành quả mình gặt hái được, mà luôn cho rằng đó là do may mắn. Tên gọi Impostor Syndrome được đề xuất bởi Pauline R. Clance và Suzanne A. Imes vào năm 1978.

Hội chứng này phổ biến hơn bạn nghĩ. Thống kê cho thấy có đến 70% số người đã từng trải qua hội chứng này vào bất cứ thời điểm nào và thường xảy đến ở nhiều nữ doanh nhân hay những người phụ nữ thành công khác. Dù vậy đàn ông mắc phải hội chứng này cũng không hiếm.

Các biểu hiện của hội chứng kẻ mạo danh

Hội chứng kẻ mạo danh được hình thành khi chúng ta có ý nghĩ rằng bản thân mình chỉ là một người tầm thường, không đủ năng lực để làm bất cứ thứ gì. Nỗi ám ảnh đó giam hãm phần lớn chúng ta, khiến bạn trở nên sợ hãi mọi thứ.

Người mắc phải hội chứng này không nhận thức được giá trị bản thân và những thành công mà họ gặt hái được. Họ thường nghĩ những thứ mình đạt được là do may mắn chứ không phải nhờ thực lực. Người mắc chứng tâm lý này thường tự ti, cho mình kém cỏi, rồi sau đó mất dần động lực phấn đấu, thu mình và không đạt được thành tựu nào trong cuộc sống. Không những vậy, hội chứng kẻ mao danh thường khiến cho nạn nhân dễ bị kích động, lo lắng, trầm cảm.

Hội chứng kẻ giả danh khiến cho bệnh nhân cảm thấy tự ti và không tin vào năng lực của mình.
Hội chứng kẻ giả danh khiến cho bệnh nhân cảm thấy tự ti và không tin vào năng lực của mình. (Nguồn ảnh: TBA).

Thực tế cho thấy trong ngành công nghiệp phần mềm cũng có khá nhiều trường hợp mắc hội chứng kẻ mạo danh. Tốc độ phát triển công nghệ mới khiến bạn hầu như phải học thêm nhiều công cụ mới trong mỗi dự án, điều đó khiến bạn cảm thấy dường như mình không thể hiện được tốt như mong đợi.

Ngay cả Einstein, nhà vật lý học nổi tiếng của thuyết tương đối, được xem như nhà bác học số một của thế kỷ 20, cũng đã từng tâm sự: "Công trình của đời tôi được người ta quý trọng quá đáng làm cho tôi thật áy náy. Tôi có cảm giác như bị buộc phải xem mình như là một người lừa đảo không chủ ý". Nhiều tài tử màn bạc, đạo diễn, nhạc sĩ ca sĩ, khoa học gia, nhà lãnh đạo quốc tế được quần chúng sùng bái cũng từng trải những cảm giác của hội chứng này.

Cách để chống lại hội chứng kẻ mạo danh là tập trung hơn vào những gì bạn học được trong những hoàn cảnh khó khăn. Theo nhà tâm lý học Carol Dweck, hội chứng kẻ mạo danh khiến bạn hoàn toàn bị kiểm soát bởi nỗi sợ hãi, lo lắng. Với một tư duy như vậy, những người mắc hội chứng này thường nhận thấy một cách rõ ràng những cảm xúc của chính mình – một kẻ yếu kém, mắc nhiều sai lầm và thực sự có quá nhiều hạn chế.

Sau đây là 7 phương pháp nhỏ giúp bạn chống lại hội chứng đáng ghét này

Hội chứng kẻ mạo danh rõ ràng khiến một người cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi. Nhưng nếu biết cách làm chủ nó, bạn hoàn toàn có thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực đó. Hãy nhớ những điều quan trọng sau:

1. Bạn đã khẳng định được vị trí của bản thân

Hãy nhớ rằng, bạn có được công việc, vị trí đó chính là nhờ năng lực của bản thân và không ai cho không bạn điều này nếu như bạn không đủ giỏi. Bên tuyển dụng chọn bạn vì họ coi bạn là người tốt nhất cho vị trí công việc đó.

2. Tích cực giảm stress

Hãy dành thời gian cho những thú vui để bạn không nghĩ đến những điều tiêu cực nữa.
Hãy dành thời gian cho những thú vui để bạn không nghĩ đến những điều tiêu cực nữa.

Dành thời gian cho những thú vui mới, ví dụ như nấu ăn, chụp ảnh, đi dạo, tập thể dục,… sẽ khiến bạn không còn thời gian để nghĩ đến những điều tiêu cực nữa. Hơn hết bạn sẽ cảm thấy, sự nghỉ ngơi này là xứng đáng cho những nỗ lực của bản thân.

3. Hãy đặt kỳ vọng phù hợp với bản thân

Đặt kỳ vọng phù hợp với bản thân và tập trung cho việc đạt được nó đôi khi còn tốt hơn việc chạy theo những mục tiêu viển vông và sự hoàn hảo.

4. Hãy trân trọng những thành tựu của bản thân

Thay vì tìm cách đổ lỗi cho bản thân không đạt được những thứ mong muốn. Tại sao bạn không nghĩ về những thành tựu mà bạn đã gặt hái được và đánh giá xem liệu bản thân mình có xứng đáng hay không. Thành tựu cá nhân chính là động lực giúp bạn đạt được những thành công mới trong tương lai.

5. Thất bại không định nghĩa được tài năng của bạn

Tiếp cận với những thách thức mới sẽ khiến bạn nhận ra rằng, thất bại là một phần tự nhiên của quá trình học tập. Không có thất bại thì sẽ không có những bài học để bạn tiếp tục cải thiện bản thân. Mặc dù việc chấp nhận thất bại không hề đơn giản nhưng nếu học được điều này, bạn có thể chống lại được hội chứng kẻ mạo danh.

6. Hãy tử tế với chính mình

Khi đối mặt với thất bại, chúng ta thường trở thành "nhà phê bình" nghiêm khắc nhất với bản thân. Tự phê bình có thể là một điều hay nhưng không nên đắm chìm và dằn vặt bản thân quá lâu. Điều quan trọng là hãy tử tế với chính mình. Bạn có thể nhìn những tấm gương trong cuộc sống và hãy chấp nhận rằng, sai lầm xảy ra đối với tất cả mọi người và bạn cũng không phải ngoại lệ.

7. Mọi người cũng sẽ như bạn nếu lâm vào tình trạng này

Thử tưởng tượng, nếu mọi người rơi vào hoàn cảnh của bạn, họ cũng sẽ hiểu được bạn đang phải trải qua điều gì. Tất nhiên để mọi người hiểu được, bạn cần chia sẻ nhiều hơn với người khác, đặc biệt là những người có cùng sở thích, hoàn cảnh và mục tiêu. Chia sẻ nhiều hơn giúp bạn không còn cảm giác cô đơn khi phải chống chọi lại với cái gọi là sự hoàn hảo.

Tóm lại, hãy luôn tin tưởng vào bản thân và hãy cứ làm công việc của mình bằng tất cả lòng nhiệt huyết. Nhưng luôn ghi nhớ rằng, sai lầm có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Vậy nên hãy học cách chịu trách nhiệm với những sai lầm đó và tử tế với chính mình. Hãy sở hữu những gì bạn có thể kiểm soát chúng và từ bỏ những thứ bạn không bao giờ làm chủ được nó, nhất là cảm xúc tiêu cực.

Cập nhật: 05/03/2020 Theo khampha/vnreview
  • 52
  • 4.300