Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ Thủy sản) đã thực hiện thành công việc sinh sản nhân tạo cá lăng chấm (loài cá quý hiếm nhưng nguy cơ tuyệt chủng rất cao) trong điều kiện nuôi.
(Ảnh: TTO) |
Công việc đầu tiên, theo ông Tuân, là đi mua cá bố mẹ từ sông Lô Gâm (Tuyên Quang), hồ chứa thủy điện Hòa Bình về nuôi trong ao nước tĩnh tại Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1. Các kết quả nghiên cứu từ năm 2002 đến nay cho thấy loài cá này thích nghi tương đối tốt với môi trường nuôi ao, chúng sinh trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 58-142gr/tháng.
Cá lăng chấm có thể sinh trưởng trong môi trường ao nước tĩnh, nhưng đòi hỏi môi trường nước sạch, tránh nuôi nơi hồ ao tù đọng. Nên nuôi ở những vùng chủ động được nguồn nước cấp sạch, đặc biệt là những nơi có nước chảy thường xuyên vào ao. Có thể sử dụng thức ăn viên công nghiệp với hàm lượng protein và lipid cao để nuôi cá lăng chấm. Dùng kết hợp với cá tạp. Khi nuôi cá lăng chấm nên nuôi đơn, chỉ nên ghép thêm cá mè làm sạch nước.
Hiện nay, Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I đang tiến hành đề tài Nghiên cứu công nghệ nuôi thương phẩm cá lăng chấm với thời gian thực hiện từ tháng 1-2005 đến tháng 12-2007.
Trong năm 2004, với việc áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ bằng thức ăn tươi sống, kéo dài thời gian bơm nước tạo dòng chảy và phun mưa nhân tạo trong ao đã thu được những kết quả rất khích lệ. Tỷ lệ cá bố mẹ thành thục và tỷ lệ cá đẻ đạt trên 90%, tỷ lệ thụ tinh trung bình 76%, tỷ lệ nở trung bình 58%, kết quả này cao hơn đáng kể so với năm 2002 và 2003; đã bố trí các thí nghiệm ương nuôi cá bột, cá hương và cá giống và tìm ra mật độ nuôi, loại thức ăn phù hợp. Năm 2003, thu được 7.800 cá bột, 5.000 cá giống. Năm 2004, thu được 194.000 cá bột, trên 12 vạn cá hương và cá giống.
Đề tài cũng đã thử nghiệm nuôi cá thương phẩm bằng các loại thức ăn tươi sống, thức ăn chế biến có hàm lượng đạm thô dao động 35-40-45%. Kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng của cá tăng dần khi cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm tăng dần và cao nhất khi cho ăn thức ăn tươi sống.
Nói về kỹ thuật sinh sản, ông Tuân cho biết cá lăng chấm là loài có kích thước tương đối lớn, ham ăn mồi (là loài ăn thịt), sức sinh sản thấp nên nguy cơ suy giảm nguồn lợi tự nhiên dẫn tới tuyệt chủng là điều dễ xảy ra. Loại cá chọn lựa để sinh sản nhân tạo là cá đực có trọng lượng trên 3 kg (từ 4 tuổi trở lên), cá cái trên 2 kg (từ 3 tuổi trở lên).
(Ảnh: TTO)
Trong đó, khó khăn nhất là tuyến sinh dục của cá lăng dạng lược mảnh, không vuốt được tinh nên phải mổ cá đực để lấy tuyến sẹ thụ tinh cho trứng, sau đó sát trùng và khâu lại nuôi tiếp nhưng vẫn bảo đảm tỷ lệ sống của cá cái sau khi sinh sản khoảng 80%, cá đực khoảng 70-80%. Cá sinh sản nhân tạo cho chất lượng tốt.
Việc triển khai sinh sản nhân tạo cá lăng chấm hiện nay đang còn gặp một số khó khăn. Theo ông Tuân, công nghệ này mới, khá phức tạp, khác khá nhiều so với các đối tượng truyền thống khác như cá mè, trôi, trắm, chép từ kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ, sinh sản nhân tạo, ương ấp trứng, ương cá bột... và đòi hỏi phải có kỹ thuật viên lành nghề.
“Sức sinh sản cá thấp, tuổi thành thục muộn cũng là một khó khăn để phát triển nhanh đối tượng này. Bên cạnh đó, để áp dụng công nghệ mới, đòi hỏi nơi tiếp nhận phải có đội ngũ kỹ thuật lành nghề về sinh sản nhân tạo, cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống cấp nước sạch đảm bảo”, ông Tuân cho biết.