Hồi sinh thành Thăng Long bằng công nghệ thực tại ảo

  •  
  • 571

Trên chiếc máy tính, chỉ cần nhấn chuột vài lần là người xem có thể zoom sát lại để ngắm các chi tiết của đền Ngọc Sơn - một di tích lịch sử quan trọng ở Hà Nội, xem các bức tranh khảm trên tường, đồng thời cũng có thể lùi ra xa để quan sát toàn bộ khuôn viên đền.

Đền Ngọc Sơn (bên hồ Hoàn Kiếm) được tái hiện bằng công nghệ thực tại ảo
Đền Ngọc Sơn (bên hồ Hoàn Kiếm) được tái hiện bằng công nghệ thực tại ảo. (Ảnh: SGGP)

Đây chỉ là một ví dụ trong dự án hồi sinh thành Thăng Long bằng công nghệ thực tại ảo, do nhóm chuyên gia công nghệ thông tin ở Hà Nội với 12 thanh niên còn rất trẻ thực hiện. Kỹ sư Nguyễn Văn Trường, thuộc Trung tâm Công nghệ mô phỏng, Học viện Kỹ thuật quân sự, 1 trong 4 “hạt nhân” của nhóm cho biết: “Chúng tôi đã bước đầu xây dựng được Chương trình sử dụng công nghệ thực tại ảo để tái hiện lại hình ảnh của các di tích lịch sử tại Hà Nội. Công nghệ thực tại ảo hiện đang phát triển trên thế giới và đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Từng chi tiết nhỏ như đồ nội thất, màu sắc và kết cấu của các công trình đều được tạo hình trung thực với lịch sử. Khung cảnh, ánh sáng và âm thanh cũng thay đổi theo vị trí quan sát...

Anh Trường cho biết: “Chương trình mà nhóm nghiên cứu đang nỗ lực xây dựng sẽ giúp cho người xem tương tác với di tích với cảm giác hết sức sống động. Họ không chỉ được cung cấp thông tin về di tích, mà còn có được rất nhiều cảm xúc “sống thực trong không gian ảo”. Đó là hiệu ứng của công nghệ số, là điều hết sức thú vị cho khách tham quan”.

Tại nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan..., công nghệ thực tại ảo đã đem lại hiệu quả rất lớn trong công tác bảo tồn và phục chế các di sản kiến trúc. Tuy nhiên, với nhóm nghiên cứu trẻ này của Việt Nam, hiện tại, do nhiều hạn chế về kiến thức lịch sử, nhân lực, kinh phí... nên nhóm mới chỉ thu thập được những thông tin về hiện trạng, mà chưa có được những thông tin đầy đủ về lịch sử hình thành và tồn tại của các di tích.

Nguyễn Minh Đức - một thành viên khác của nhóm - kể rằng, để được phép vào khu vực Hoàng Thành Thăng Long đo đạc, chụp ảnh, tập hợp dữ liệu... cho chương trình, họ đã rất vất vả thuyết phục Ban quản lý di tích. Với khu Thành cổ Hà Nội, có lúc cả nhóm đã phải “đánh du kích”, ví dụ như giấu một chiếc thang lớn ở quán bia cạnh đó, và phải chờ “thời điểm thích hợp” để ra tay thì mới có thể đo đạc và nghiên cứu chiếc cổng vòm...

Rất khó cho chúng tôi là còn thiếu hiểu biết sâu sắc về lịch sử. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác của các nhà sử học”, Đức nói. Ngoài ra, chi phí để làm chương trình cũng khá tốn kém, hiện đã lên tới hàng chục triệu đồng, đó là chưa kể những thiết bị máy móc chuyên dụng rất đắt tiền mà các thành viên của nhóm vẫn đang... sử dụng "ké” ở nơi làm việc.

Phạm Minh Ngọc, một thành viên nhóm tâm sự: “Chúng tôi rất mong muốn được tham gia vào việc xây dựng “bảo tàng số” về các di tích lịch sử cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Trước mắt, nếu được ủng hộ, từ nay đến 2010, chắc chắn chúng tôi sẽ xây dựng được kho tư liệu về các di tích lịch sử Hà Nội bằng công nghệ thực tại ảo. Điều này là mong muốn lớn của chúng tôi, cũng để có một đóng góp nhỏ hướng tới dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010".

Nhóm nghiên cứu hiện rất mong được các cơ quan chức năng của các ngành ở Trung ương và Hà Nội quan tâm xem xét, thẩm định dự án, để giúp họ chính thức “khai sinh” cho đứa con tinh thần mà họ đã ấp ủ nhiều tháng nay, cũng là để “số hoá” các di tích lịch sử văn hoá quan trọng vào bậc nhất của thủ đô và cả nước.

Theo Sài Gòn Giải phóng, VNE
  • 571