Indonesia lai tạo muỗi "tốt" chống lại bệnh sốt xuất huyết

  •  
  • 93

Wolbachia là một loại vi khuẩn phổ biến xuất hiện ở 60% các loài côn trùng, bao gồm một số loài muỗi, ruồi giấm, bướm đêm và chuồn chuồn. Tuy nhiên, Wolbachia không được tìm thấy ở muỗi Aedes aegypti, hay còn gọi là muỗi vằn, mang virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Trứng của muỗi Wolbachia trong xô ấp trứng ở Yogyakarta, Indonesia.
Trứng của muỗi Wolbachia trong xô ấp trứng ở Yogyakarta, Indonesia. (Ảnh: Reuters).

“Chúng tôi đang nhân giống những con muỗi "tốt". Muỗi mang virus gây bệnh sốt xuất huyết sẽ giao phối với muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. Điều này sẽ tạo ra muỗi Wolbachia, một loại muỗi ‘tốt’. Vì vậy, dù chúng có đốt người cũng không gây ảnh hưởng gì”, Purwanti, nhà nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Chương trình Muỗi Thế giới (WMP), cho biết.

Kể từ năm 2017, một nghiên cứu chung do WMP thực hiện tại Đại học Monash của Australia và Đại học Gadjah Mada của Indonesia đã thả muỗi Wolbachia được lai tạo trong phòng thí nghiệm vào một số “điểm nóng” của bệnh sốt xuất huyết ở thành phố Yogyakarta, Indonesia.

Kết quả thử nghiệm do Tạp chí Y học New England công bố vào tháng 6 cho thấy, việc triển khai muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đã giảm 77% số ca sốt xuất huyết và 86% số ca nhập viện do căn bệnh này.

“Chúng tôi tin tưởng vào công nghệ này, đặc biệt tại những khu vực mà muỗi Aedes aegypti là nhân tố gây bệnh cao nhất”, Adi Utarini, trưởng nhóm nghiên cứu của WMP, nói với Reuters.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca sốt xuất huyết trên toàn cầu đã gia tăng nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, với khoảng 50% dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh. Ước tính mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 100-400 triệu ca sốt xuất huyết.

“Cả ba người con của tôi đều bị sốt xuất huyết và phải nhập viện. Tôi đang tìm cách để giữ cho nơi sinh sống của mình sạch sẽ”, Sri Purwaningsih, 62 tuổi, người tình nguyện tham gia chương trình WMP, cho biết.

Cập nhật: 01/11/2021 Theo VOV
  • 93