Internet băng rộng - Việt Nam: Thị trường hấp dẫn

  •  
  • 401

Khảo sát về nhu cầu sử dụng Internet và các dịch vụ ứng dụng trên nền Internet băng rộng (broadband) do Alcatel – Lucent thực hiện tại Việt Nam (VN) sẽ giúp doanh nghiệp định hướng rõ nét hơn về xu hướng kinh doanh trong tương lai.

Từ tháng 5-7/2007, Alcatel đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về người sử dụng công nghệ băng rộng. Cuộc khảo sát nhằm giúp các nhà cung cấp dịch vụ tìm ra câu trả lời: làm thế nào để nâng cao mức độ sử dụng công nghệ băng thông rộng; nhu cầu của người sử dụng công nghệ băng thông rộng trong tương lai.

Khảo sát được thực hiện với hai nhóm đối tượng khác nhau: những người sử dụng Internet phổ thông (tại quán cafe Internet và tại công sở - nhóm 1), và những người sử dụng cao cấp (tại gia đình - nhóm 2). Ba mẫu điều tra đã được thực hiện với 305 cuộc phỏng vấn.

Nhu cầu kết nối băng rộng

Mục tiêu đầu của cuộc khảo sát là tìm hiểu nhu cầu sử dụng Internet băng rộng ở nhóm 1. Đối với người dùng Internet tại quán café, 52% số này có máy tính tại nhà, 22% đã có đường dây điện thoại nhưng chỉ có 7% sử dụng dial-up Internet. Tỷ lệ kết nối dial-up Internet thấp là một trong những lý do nhóm 1 thường xuyên tới các quán café Internet. 89% số này cho biết họ tới quán café Internet ít nhất 1 lần/tuần.

Nhóm sử dụng Internet tại công sở cũng có tỷ lệ sở hữu máy tính tại nhà khá cao (63%). Nhưng tỷ lệ có đường dây điện thoại và sử dụng Internet dial-up cũng không cao hơn là bao (19% và 9% tương ứng), mặc dù 43% số này cho biết thích dành thêm thời gian trên Internet ngoài công sở.

Như vậy, một lượng lớn thuê bao tương lai sẽ là những người sử dụng Internet tại quán café hoặc tại nơi làm việc. Điều này được khẳng định qua điều tra: 72% người dùng Internet tại quán café và 75% người dùng Internet tại công sở cho biết có ý định đăng ký dịch vụ băng rộng để sử dụng tại nhà với lý do thuận tiện và phục vụ chuyên môn. Tuy nhiên, chi phí là trở ngại chính cho việc kết nối dịch vụ băng rộng tại nhà.

Theo thống kê, tiêu dùng hiện nay cho điện thoại di động (ĐTDĐ) lấn át phần chi phí cho Internet café. Mức chi từ 10-12 USD, 50% số người được hỏi cho biết họ đã chi khoản tiền này cho ĐTDĐ, trong khi chỉ 20% chi cho Internet café. Với các mức chi cao hơn 20 USD, sự chênh lệch giữa hai khoản chi không đáng kể. Từ đó, khảo sát đưa ra gợi ý về mức giá dịch vụ băng rộng mà nguời sử dụng Internet café có thể đáp ứng được và nhà cung cấp có thể tập trung là: dưới 10 USD và từ 10 – 20 USD.

Việc có sẵn máy tính cũng góp phần gia tăng nhu cầu kết nối băng rộng tại nhà. Chỉ 57% nhóm người sử dụng bình dân đã có máy tính để bàn, 9% có máy tính xách tay (laptop). Số người có ý định mua máy tính để bàn là 13%, mua máy tính xách tay là 20%. Ngay cả nhóm người dùng cao cấp, 95% đã có máy tính để bàn nhưng xu hướng sắm laptop đang tăng lên (16% có ý định mua laptop).

Tỷ lệ sở hữu laptop tăng đồng nghĩa với nhu cầu kết nối ngoài gia đình tăng bởi theo điều tra, 49% người sử dụng Internet tại công sở bị hạn chế khả năng/mức độ truy cập, do đó họ thích dành thêm thời gian trên Internet bên ngoài công sở. Về điều này, bà Valerie Faudon, phó chủ tịch phụ trách marketing của Alcatel-Lucent lý giải đó là lý do các nhà cung cấp nên có nhiều hình thức kết nối băng rộng, đặc biệt là kết nối băng rộng vô tuyến như Wifi, Wimax.

Với nhóm sử dụng cao cấp, hầu hết đều hài lòng với dịch vụ được cung cấp hiện nay và liệt kê các lợi ích khi kết nối băng rộng là: có thể kết nối Internet nhanh chóng, dễ dàng, ổn định, tốc độ đủ nhanh để xem ảnh và phim, có thể gọi điện qua Internet. Tuy vậy, hầu hết họ chỉ dành từ 10-20USD cho dịch vụ băng rộng. Phải làm sao để tăng mức lợi nhuận bình quân trên mỗi người sử dụng đối với lượng khách hàng hiện có? Đây chính là nội dung tiếp theo thu được từ cuộc khảo sát.

Nhu cầu ứng dụng trực tuyến

SỐ LIỆU TÍNH ĐẾN CUỐI NĂM 2006

- Tổng số dân: 85 triệu
- Số thuê bao di động: 23 triệu (chiếm 23,5%)
- Số người sử dụng Internet: 16 triệu (chiếm 18,8%)
- Số người đăng ký sử dụng công nghệ băng rộng: 0,5 triệu (<2%).

88% người sử dụng cao cấp hoàn toàn đồng ý với ý kiến “Internet là một phần không thể thiếu cho thành công của công việc kinh doanh”. Qua điều tra, những người này dành phần lớn thời gian sử dụng Internet cho công việc chuyên môn như gửi và đọc email, tìm kiếm thông tin, gọi điện thoại qua máy tính (VoIP)... Bên cạnh các nhu cầu về thông tin liên lạc, nhu cầu sử dụng dịch vụ truyền thông đa phương tiện ở nhóm này cũng ở mức cao: 80% download và lưu file, 73% nghe nhạc trực tuyến, 59% gọi điện thoại qua máy tính, 47 % xem phim trực tuyến, 37% chơi game trực tuyến.

Ngay cả ở nhóm người sử dụng Internet phổ thông, khi được hỏi về các ứng dụng họ thích dùng nếu có dịch vụ băng rộng tại nhà, thứ tự ưu tiên lần lượt là: tìm kiếm thông tin (40%), chơi game online (27%), gửi và đọc email (19%), gọi điện qua máy tính cá nhân (14%). Các ứng dụng sau đó mới là đọc tin, chat (nhắn tin), hay nghe nhạc...

Những con số này cho thấy thị trường tiềm năng rất lớn của ngành công nghiệp nội dung số. Còn với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, việc nâng cấp độ bao phủ broadband hay tăng chất lượng kết nối là cần thiết.

Theo PC World VN
  • 401