Sự ra đời của bức ảnh động đầu tiên trên thế giới

  •  
  • 142

Nỗ lực ghi lại chuyển động của ngựa mà mắt thường không nhìn kịp đã thôi thúc một nhiếp ảnh gia phát triển kỹ thuật tạo ra bức ảnh động đầu tiên.

Hội họa về ngựa đạt đỉnh cao vào thế kỷ 19 khi đua ngựa trở thành môn thể thao phổ biến. Nhưng dù cố gắng vẽ lại cảnh đua, nhiều họa sĩ nhận ra họ không hiểu rõ về những con ngựa, đặc biệt là cách chúng chuyển động khi phi nước đại. Ngựa chạy nhanh đến mức mắt người không thể bắt kịp dáng điệu của chúng, do đó quá trình vẽ ngựa thường dựa nhiều vào trí tưởng tượng. Cuối thế kỷ 19, đã thay đổi đáng kể cách họa sĩ vẽ ngựa, theo Amusing Planet.

12 bức ảnh nguyên bản chụp ngựa đua Sallie Gardner.
12 bức ảnh nguyên bản chụp ngựa đua Sallie Gardner. (Ảnh: Amusing Planet).

Năm 1872, nhà công nghiệp Leland Stanford, nhà sáng lập Đại học Stanford, thuê nhiếp ảnh gia người Anh - Mỹ Eadweard Muybridge chụp ảnh Occident, con ngựa yêu thích của ông, đang chạy. Vào thời đó, chụp ảnh là một quá trình chậm rãi, trong đó phim phải được phơi sáng vài giây để tạo ra bức ảnh, vì vậy vật thể cần bất động trong suốt thời gian kính ảnh phơi sáng. Bất cứ thứ gì chuyển động nhiều sẽ bị nhòe.

Ban đầu, Muybridge cho rằng không thể chụp một bức ảnh đẹp của con ngựa đang chuyển động, nhưng sau khi thí nghiệm với nhiều thiết bị và hóa chất khác nhau, kết quả thu được rất đáng hài lòng. Muybridge phải ngừng thí nghiệm hai năm do bị cáo buộc liên quan đến cái chết của tình nhân của vợ ông.

Muybridge quay lại làm việc cho Stanford vào năm 1876, tiếp tục cải tiến và hoàn thiện quá trình chụp ảnh. Không lâu sau, ông chụp thành công một bức ảnh của Occident đang chạy ở tốc độ đua với cả 4 chân nhấc khỏi mặt đất. Stanford rất hào hứng và thuyết phục Muybridge sử dụng nhiều máy ảnh để có thể tạo ra một loạt ảnh chụp toàn bộ dáng chạy của ngựa. Lần này, Muybridge được yêu cầu chụp ảnh một con ngựa khác của Stanford tên Sallie Gardner.

Việc ghi lại hành động của ngựa phi nước đại không dễ dàng. Muybridge cần chụp nhiều bức ảnh trong thời gian ngắn, mỗi phức phơi sáng không quá vài phần nghìn giây. Để làm được điều bất khả thi này, Muybridge sử dụng 12 chiếc máy ảnh hiện đại mà ông tự thiết kế và xếp thẳng hàng như súng thần công song song với đường chạy của ngựa. Màn trập của mỗi camera được điều khiển bởi dây bẫy nằm ngang qua đường chạy của ngựa và kích hoạt bởi chân ngựa. Khi con ngựa vọt qua dây bẫy, âm thanh màn trập camera phát ra nối tiếp nhau thành một tràng nghe như tiếng súng máy.

Thước phim ngắn của Muybridge lần đầu tiên ghi lại những chi tiết chóng vánh mà mắt thường không thể nhìn kịp ở tốc độ cao, như vị trí chân và góc của đuôi. Thành tựu đột phá của Muybridge giúp xác nhận khi một con ngựa hoàn toàn phi lên khỏi mặt đất, chân của nó co lại bên dưới cơ thể thay vì vươn ra trước và sau. Ông cũng chuẩn bị một clip ngắn, sử dụng 12 bức ảnh tĩnh mà ông chụp bằng thiết bị gọi là zoöpraxiscope, tiền thân của máy chiếu phim. Clip động dài 2 giây mang tên Sallie Gardner at a Gallop này được coi là bức ảnh động đầu tiên trên thế giới.

Thành quả của Muybridge được giới thiệu rộng rãi trên khắp thế giới. Khi Muybridge dường như thu hút mọi sự chú ý, Stanford tìm cách hạ bệ ông. Sau đó, Hiệp hội nghệ thuật hoàng gia Anh, nơi trước đó đề nghị tài trợ Muybridge cho nghiên cứu chụp ảnh chuyển động của động vật, ngừng cấp kinh phí. Cuối cùng, Muybridge kiện Stanford ra tòa nhưng vụ kiện bị tòa bác bỏ.

Muybridge bắt đầu tìm kiếm kinh phí ở nơi khác và nhận được sự ủng hộ từ Đại học Pennsylvania. Dưới sự tài trợ của đại học, Muybridge tạo ra hàng chục nghìn bức ảnh chụp người và động vật đang chuyển động. Số ảnh này được xuất bản trong một tập danh mục lớn, với 780 kính ảnh và 20.000 bức ảnh. Nghiên cứu của Muybridge góp phần đáng kể vào phát triển sinh cơ học.

Cập nhật: 28/08/2024 VnExpress
  • 142