Các nhà khảo cổ học phát hiện bộ xương hóa thạch gần như nguyên vẹn của một con voi tiền sử khổng lồ sống trong thế Canh Tân.
Bộ xương voi ngà thẳng gần như hoàn chỉnh được tìm thấy ở Lower Saxony, Đức. (Ảnh: Mirror).
"Chúng tôi tìm thấy cả hai chiếc ngà dài 2,3 m, bộ hàm dưới hoàn chỉnh, cùng nhiều đốt sống, xương sườn, xương chân lớn và thậm chí là năm xương móng mỏng manh", trưởng nhóm nghiên cứu Jordi Serangeli, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Tubingen của Đức cho biết trong một báo cáo.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đây là bộ xương voi cổ đại đầu tiên được tìm thấy ở Đức. Các phân tích hóa thạch cho thấy con vật cao khoảng 3,2m và nặng 6,8 tấn, lớn hơn cả kích thước và trọng lượng trung bình của voi đồng cỏ châu Phi, loài động vật trên cạn lớn nhất hiện nay.
Mô hình một con voi ngà thẳng Á-Âu (Palaeoloxodon antiquus). (Ảnh: Sun).
"Nó là một con voi ngà thẳng Á-Âu cái đã lớn tuổi và có lẽ chết vì già yếu. Hàm răng của con vật đã mòn", nhà khảo cổ Ivo Verheijen, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết thêm. Những dấu chân hóa thạch in lên bùn cho thấy nó đã ở gần hồ nước trước khi chết, một hành vi thường thấy ở những con voi già hoặc ốm yếu.
Một số vết răng được tìm thấy trên xương tiết lộ động vật ăn thịt đã đến xâu xé xác voi. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện khoảng 30 mảnh đá lửa nhỏ bên cạnh hóa thạch, cho thấy con người cổ đại có thể cũng có mặt ở đó để xẻ thịt con vật.
Tranh vẽ mô phỏng một nhóm người cổ đại xẻ thịt xác voi. (Ảnh: Mirror).
Mặc dù là mẫu vật duy nhất ở Đức, xương voi hóa thạch đã được phát hiện trên khắp châu Âu trước đây. Các nhà cổ sinh vật học tin rằng "lục địa già" cũng từng có cuộc sống hoang dã phong phú giống như châu Phi ngày nay, với rất nhiều loài thú lớn như voi, sư tử, tê giác và gấu.