Khám phá 5 vùng đất khắc nghiệt nhất trên thế giới mà vẫn có người sinh sống

  •  
  • 280

Dù Trái đất luôn được nhắc đến là nơi duy nhất trong Hệ Mặt trời có sự sống phát triển lý tưởng, thế nhưng trên hành tinh của chúng ta vẫn có những nơi có điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.

1. Thị trấn Oymyakon, Nga   

Oymyakon là một thị trấn nhỏ ở Cộng hòa Sakha, phía đông bắc nước Nga. Đây là thị trấn được mệnh danh lạnh nhất thế giới có người sinh sống. Nhiệt độ trung bình ở đây vào mùa đông là âm 51 độ C, cá biệt có lúc giảm tới âm 71 độ C. Vào mùa đông, không khí bên ngoài nhà cũng có thể gây chết người vì chỉ cần hít thở là phổi của bạn sẽ bị đóng băng.

Nhiệt độ trung bình ở Oymyakon vào mùa đông là âm 51 độ C, cá biệt có lúc giảm tới âm 71 độ C
Nhiệt độ trung bình ở Oymyakon vào mùa đông là âm 51 độ C, cá biệt có lúc giảm tới âm 71 độ C. (Ảnh: Nature)

Do thời tiết quá khắc nghiệt, các loại cây trồng không thể phát triển nên thực phẩm của người dân chủ yếu là dùng sữa và thịt tuần lộc, ngựa, cá, đồ đông lạnh. Thậm chí, đường ống nước thường xuyên bị đóng băng vì quá lạnh, người dân đã phải xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh ở bên ngoài trời. Người dân địa phương ở đây không dùng vải mà sử dụng len merino và lông động vật may quần áo.

Theo Insider, hiện nay dân số của thị trấn Oymyakon là khoảng 500 người. Họ đã sống ở đây từ năm 1920 đến 1930. Ban đầu nơi đây chỉ là trạm dừng chân cho những người chăn tuần lộc. Cuộc sống của người dân diễn ra bình thường như nhiều nơi trên thế giới. Nhưng, khi nhiệt độ hạ xuống âm 58 độ C thì mọi hoạt động sẽ tạm thời ngừng lại.

2. Dallol, Ethiopia

Dallol nằm cách thủ đô của Ethiopia 483km và được công nhận là một trong những nơi nóng nhất thế giới. Nhiệt độ ở đây thường xuyên cao trên 38 độ C và đỉnh điểm là gần 63 độ C. Bạn chỉ cần đứng yên một chỗ trong vài phút, đôi giày của bạn có thể bị chảy vì sức nóng quá lớn. Sở dĩ, Dallol nóng như vậy là do nơi này nằm trên một ngọn núi lửa đang hoạt động.

 Dallol thường xuyên có nhiệt độ cao trên 38 độ C.
Dallol thường xuyên có nhiệt độ cao trên 38 độ C. (Ảnh: Nature)

Tưởng chừng nóng như vậy, Dallol sẽ không có một bóng người nhưng trái lại, người Afar lại chơi Dallol làm nơi sinh sống. Để có thể thích ứng với cái nóng ở Dallol, người Afar đã tạo ra 1 loại sơn đặc biệt có thể phản chiếu ánh nắng mặt trời. Họ chờ tới khi ban đêm, trời mát hơn sẽ di chuyển quanh vùng để thu thập muốn. Người Afar thường dùng sữa bò, sữa dê để bổ sung các chất điện giải và chống mất nước.

3. Làng Mawsynram, Ấn Độ 

Mawsynram nằm ở phía đông bắc Ấn Độ thuộc biên giới Bangladesh. Theo sách kỉ lục Guiness, Mawsynram được xác nhận là nơi ẩm ướt nhất trên thế giới vẫn có người sinh sống. Lượng mưa trung bình ở đây là hơn 25400 mm/năm. Mùa mưa ở Mawsynram kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Lượng mưa có thể lên tới hơn 1,5 m/ngày. Tại Mawsynram, hiện tượng mây bay vào nhà rất phổ biến.

 Lượng mưa trung bình ở Mawsynram là hơn 25.400 mm/năm.
Lượng mưa trung bình ở Mawsynram là hơn 25.400 mm/năm. (Ảnh: Nature)

Người dân ở đây đã dùng rễ cây để làm cầu và sợi tre để làm áo mưa. Mặc dù, thời gian làm những cây cầu bằng rễ cây rất lâu nhưng nó có thể chịu được thời tiết ẩm ướt của khu vực này. Người dân cũng dùng cỏ lót lên mái nhà để làm dịu tiếng mưa. Tuy nhiên, Mawsynram không phải lúc nào cũng có mưa triền miên. Vào mùa đông, thị trấn này lại trở nên khô cằn tới mức bị thiếu nước thường xuyên.

4. Sa mạc Atacama, Chile

Hoang mạc Atacama là một sa mạc nằm ở phía bắc Chile và một phần nhỏ ở phía nam Peru. Atacama là một trong những khu vực khô cằn nhất Trái Đất. Theo nhiều ghi chép cho thấy từ năm 1570 đến 1971, sa mạc Atacama không có lượng mưa đáng kể nào. Sách kỷ lục Guinness đã ghi nhận Atacama là sa mạc "khô cằn nhất thế giới". Atacama cũng được xem là hoang mạc khô cằn nhất thế giới bởi NASA, Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ.

 Sa mạc Atacama khô cằn tới nỗi xương rồng cũng không thể mọc.
Sa mạc Atacama khô cằn tới nỗi xương rồng cũng không thể mọc. (Ảnh: Nature)

Hoang mạc này có lượng mưa trung bình hàng năm là 25 mm. Không những thế, trên sa mạc này cây xương rồng cũng không thể mọc lên được. Sự mục rữa không thể xảy ra đối với bất cứ một thứ gì ở hoang mạc này. Nguyên nhân vì không khí quá khô, oxy hóa không xảy ra ở những vật liệu bằng kim loại, và miếng thịt cũng có thể giữ nguyên mãi mãi ở đây.

Thế nhưng, sa mạc này vẫn có người sinh sống. Đó chính là người dân của bộ lạc Atacameno. Họ sống tập trung ở một khu vực có tên là San Pedro de Atacama. Người Atacameno rất thông minh khi sáng tạo ra cách thu hoạch nước từ sương mù bằng cách giăng các tấm lưới bắt sương trong không khí.

5. Hòn đảo Tristan Da Cunha, Anh

Tristan da Cunha là một hòn đảo nằm ở phía nam Đại Tây Dương, khoảng giữa Nam Phi và Nam Mỹ và nó là lãnh thổ hải ngoại của Anh. Hòn đảo này được mệnh danh là nơi có người ở xa xôi, hẻo lánh nhất thế giới. Bởi nó cách khu vực đất liền gần nhất, thành phố Cape Town của Nam Phi hơn 2.700 km. Thời gian di chuyển từ nơi gần nhất tới đây là khoảng 6 ngày và mỗi năm có khoảng 60 chuyến tàu tới đây.

 Tristan Da Cunha được mệnh danh là nơi có người ở hẻo lánh nhất thế giới.
Tristan Da Cunha được mệnh danh là nơi có người ở hẻo lánh nhất thế giới. (Ảnh: Nature)

Thị trấn duy nhất của Tristan Da Cunha là Edinburgh of the Seven Seas được xây dựng trên nền đất bằng phẳng cách đỉnh của ngọn núi lửa Queen Mary hơn 2000m. Hiện tại, cư dân trên hòn đảo này đang là khoảng 300 người. Họ sống bằng nghề săn bắt cá và chăn nuôi như gia súc. Vì hòn đảo nằm trên núi lửa đang hoạt động, nơi đây chỉ có thể trồng khoai tây và đậu làm thực phẩm.

Cập nhật: 09/12/2022 Tổ Quốc
  • 280