Khám phá Ny-Alesund: Thị trấn sạch nhất thế giới

Sự thật về nơi không có Wi-Fi, không sóng điện thoại, được mệnh danh “tận cùng thế giới”
  •  
  • 781

Thị trấn Ny-Alesund trên đảo Spitsbergen, thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy, được ví như vùng đất không khí trong sạch nhất thế giới. Nằm ở một vùng được coi là sa mạc của Bắc Cực, không khí ở Ny-Alesund cực kỳ khô, lạnh dưới mức đóng băng, khiến mọi luồng khí thở ra từ miệng và mũi của con người đêu lập tức biến thành những tinh thể đá nhỏ.

Ny-Alesund là thị trấn siêu nhỏ nằm ở chân núi Zeppelinfjellet, dân số giao động từ 45 vào mùa đông tới 150 vào mùa hè. Thị trấn là khu vực có người ở thường xuyên gần cực Bắc nhất thế giới, chỉ cách cực Bắc của Trái Đất khoảng 1.231 km, theo BBC.

Thị trấn Ny-Alesund trên đảo Spitsbergen, thuộc quần đảo Svalbard.
Thị trấn Ny-Alesund trên đảo Spitsbergen, thuộc quần đảo Svalbard. (Ảnh: Roger Goodwin).

Không wifi, cấm điện thoại

Trong giai đoạn 1916-1962, Ny-​Alesund từng là một thị trấn khai thác than. Sau vụ nổ hầm mỏ khiến 21 người chết, chính phủ Na Uy đóng cửa mỏ than tại thị trấn. Kể từ đó, Ny-Alesund trở thành nơi phục vụ hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học.

Năm 1989, trạm nghiên cứu khoa học Zeppelin được xây dựng bên sườn núi Zeppelinfjellet tại độ cao 472 m, cách thị trấn Ny-Alesund khoảng 3 km. Cơ sở này được sử dụng để theo dõi mức độ ô nhiễm bầu khí quyển. Những năm gần đây, Zeppelin càng đóng vai trò thiết yếu trong đo đạc nồng độ khí nhà kính trong khí quyển.

Cư dân sống tại Ny-Alesund chủ yếu là các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới như Pháp, Đức, Anh, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc.

Mỗi tuần, chỉ có 2 chuyến bay đến Ny-Alesund từ thị trấn Longyearbyen cũng thuộc quần đảo Svalbard.

Tại Ny-Alesund, có khoảng 30 tòa nhà được đặt theo tên các thành phố lớn như Amsterdam, London, Mexico City. Đây là cách nhắc nhở sự cần thiết duy trì quan hệ hữu hảo giữa các quốc gia tại một nơi xa xôi, hẻo lánh, điều kiện sống khắc nghiệt.

Tất cả điện thoại di động và thiết bị phát sóng wifi bị cấm ở Ny-Alesund. Để giữ không gian yên ắng nhất có thể, Ny-Alesund cũng không cho phép phát sóng radio. Bất cứ ai muốn sử dụng các thiết bị thu phát radio sẽ phải xin giấy phép đặc biệt.

 Tia laser được sử dụng để đo đạc mức độ ô nhiễm không khí ở Ny-Alesund.
Tia laser được sử dụng để đo đạc mức độ ô nhiễm không khí ở Ny-Alesund. (Ảnh: Anna Filipova).

Thời tiết khắc nghiệt là thách thức với bất cứ ai sống và làm việc ở Ny-Alesund. Nhiệt độ thường xuyên dưới mức đóng băng, thời điểm lạnh giá nhất nhiệt độ có thể xuống tới -37,2 độ C. Nhưng vào tháng 3 vừa qua, nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục là 5,5 độ C. Kỷ lục trước đó là 5 độ C vào năm 1976.

Quần đảo Svalbard là môi trường sống tự nhiên của gấu Bắc Cực. Loài động vật này thường xuyên xuất hiện gần các khu dân cư. Vì thế, các cư dân của Ny-Alesund phải tuân theo quy định không bao giờ khóa cửa các tòa nhà, để bất cứ ai cũng có thể tìm nơi trú ẩn an toàn nếu đối mặt gấu Bắc Cực hoặc trong tình huống khẩn cấp.

"Gấu thích đi men theo dòng sông, chúng thường đi trên đường từ Ny-Alesund tới Zeppelin. Có những lúc gấu xuất hiện ở trạm quan sát, chúng tôi phải chờ khi nó đi qua rồi mới rời khỏi nơi làm việc", Christelle Guesnon, chuyên gia Viện Địa cực Na Uy, cho biết.

Sau khi hết giờ làm lúc 16h30, người dân ở Ny-Alesund chủ yếu ở bên trong các tòa nhà. Bởi không có các thiết bị liên lạc, mọi hoạt động cộng đồng hoặc tương tác xã hội buổi tối thường được đặt lịch trước.

Nhà ăn của thị trấn là nơi mọi người thường gặp gỡ, giao lưu trong các buổi ăn trưa hoặc ăn tối, trao đổi những câu chuyện về cực quang hay gấu Bắc Cực mà họ đối mặt.

Những người đã làm việc lâu năm ở Ny-Alesund cho biết cảnh quan tự nhiên đã thay đổi đáng kể, nguyên nhân bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu.

"Nước ấm từ Đại Tây Dương đổ về ngày càng nhiều đã thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái của vịnh hẹp bên ngoài Ny-Alesund. Nó gây tác động cả tới loài gấu Bắc Cực, chúng phải thay đổi chế độ ăn. Trước đây, gấu chỉ bắt hải cẩu trên các biển băng. Giờ đây, chúng tôi thấy lượng lớn gấu Bắc Cực đi săn trứng từ các tổ chim, bắt hải cẩu trên đất liền", Rune Jensen, giám đốc Viện Địa cực Na Uy, cho biết.

Ô nhiễm bắt đầu xâm nhập

Dù là nơi có không khí trong lành, đã xuất hiện dấu hiệu chất lượng không khí ở Ny-Alesund bị tác động. Các dòng khí quyển đôi khi mang theo không khí ô nhiễm từ châu Âu và Bắc Mỹ tới Svalbard. Không chỉ ô nhiễm không khí, các dạng ô nhiễm mới bị gió đưa tới Svalbard cũng khiến các nhà khoa học lo ngại.

"Zeppelin nằm ở nơi hoang sơ hẻo lánh, cách xa các nguồn ô nhiễm. Nếu có thể đo được sự ô nhiễm ở đây, điều đó đồng nghĩa ô nhiễm đã lan ra toàn cầu", Ove Hermansen, chuyên gia về không khí của Viện nghiên cứu Na Uy, cho biết.

5 ngày mỗi tuần, một nhân viên của Viện Địa cực Na Uy đi cáp treo tới Zeppelin để lấy mẫu không khí, thay màng lọc của thiết bị. Bởi nằm tại nơi hẻo lánh, ở độ cao phía trên các lớp khí quyển có thể giữ lại những tác nhân ô nhiễm phát ra từ thị trấn Ny-Alesund, Zeppelin là nơi lý tưởng để xây dựng bức tranh toàn cảnh về thực trạng khí quyển Trái Đất.

 Cáp treo để đi tới đài quan sát Zeppelin.
Cáp treo để đi tới đài quan sát Zeppelin. (Ảnh: Anna Filipova).

Ngoài khí nhà kính, các cảm biến tại trạm quan sát còn đo các loại khí gốc chlo như CFC, kim loại nặng trong không khí, các chất ô nhiễm hữu cơ như thuốc trừ sâu, các khí ô nhiễm do đốt nguyên liệu hóa thạch như nitrogen oxides, sulphur dioxide, các hạt siêu nhỏ.

"Việc quan sát tại Zeppelin bao trùm nhiều vấn đề. Các chất độc trong môi trường có tác động lớn tới Bắc Cực, việc đo đạc khí nhà kính và các loại bụi đặc biệt quan trọng để xây dựng bức tranh toàn cầu về tác động của biến đổi khí hậu", ông Hermansen cho biết.

Đài quan sát Zeppelin cũng có thể đưa ra cảnh báo sớm về những thay đổi đang diễn ra của không khí.

Ví dụ, nồng độ khí methane trong không khí tại Zeppelin đã tăng từ 2005 và đạt mức kỷ lục vào 2019. Hiện ngày càng có nhiều lo ngại lượng phát thải khí methane của con người đe dọa mục tiêu hạn chế đà tăng của nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C.

Các nhà khoa học ở Zeppelin cũng chứng kiến nồng độ sulfate, các hạt siêu nhỏ và kim loại như nickel, vanadi trong không khí ở Ny-Alesund vào mùa hè do ngày càng có nhiều tàu du lịch tới Bắc Cực.

Các nhà máy công nghiệp của Nga trên bán đảo Kola cũng thải ra kim loại nặng vào không khí như nickel, đồng, cobalt, các luồng khí đôi khi đẩy chúng đi tới Bắc Cực vào mùa đông và mùa xuân.

Nhưng giữa rừng tin xấu vẫn có tín hiệu tích cực. Các nhà khoa học đã ghi nhận nồng độ kim loại nặng như chì và thủy ngân giảm nhờ việc siết chặt quy định đối rác thải và hoạt động công nghiệp ở EU, Mỹ và Canada.

Các nỗ lực giảm sử dụng thuốc trừ sâu cơ phospho đã giúp giảm lượng hóa chất độc hại có trong thuốc trừ sâu phát hiện tại khí quyển ở Bắc Cực.

Thời gian gần đây, các nhà khoa học bắt đầu phát hiện lượng hạt vi nhựa tăng lên trong các mẫu tuyết thu thập ở Zeppelin. Hạt vi nhựa có thể theo gió đi rất xa khỏi nguồn phát tán.

"Hạt vi nhựa gồm các polymer rất bền vững, chứa nhiều loại hỗn hợp hóa chất. Chúng tôi rất lo các hạt vi nhựa có thể mang tới Bắc Cực những hóa chất độc hại, thứ vốn bản thân chúng không thể đi xa như vậy, có khả năng hủy hoại hệ sinh thái mong manh tại đây", Dorte Herzke, chuyên gia Viện nghiên cứu không khí Na Uy, cảnh báo.

Bảo tồn và nghiên cứu - Nhiệm vụ cao cả tại Bắc Cực

Với mục tiêu giữ gìn môi trường, Ny-Alesund không mở cửa cho khách du lịch. Chỉ những nhà khoa học và nhân viên trạm nghiên cứu mới được phép đến đây. Nhiếp ảnh gia Anna Filipova là một trong số ít người được cấp phép đặc biệt để ghi lại cuộc sống và công việc tại Ny-Alesund.

Dòng sông băng Kronebreen.
Dòng sông băng Kronebreen.

Đây là lần đầu tiên cô đến thị trấn xa xôi này để chụp ảnh, và nơi đây cũng là một trong những địa điểm hoang dã và gần Bắc Cực nhất mà cô từng làm việc.

Filipova nhận xét: "Bắc Cực là một trong những nơi hấp dẫn nhất trên Trái Đất, nhưng cũng là nơi nguy hiểm nhất." Sự thay đổi liên tục của Bắc Cực với những hiện tượng tan chảy, tái tạo và biến mất đã tạo nên một môi trường tuyệt vời cho việc quan sát tác động của biến đổi khí hậu.

Dù Ny-Alesund cách xa các khu vực đông dân cư, nó vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Ô nhiễm không khí theo dòng lưu chuyển khí quyển, khiến ngay cả khu vực trong lành nhất trên thế giới cũng chịu sự tác động.

Filipova hy vọng rằng những bức ảnh của cô sẽ giúp người xem hiểu thêm về sự mong manh của Bắc Cực. Cô nhấn mạnh một ví dụ đáng báo động: bán đảo Blomstrandhalvøya gần đó từng được coi là bán đảo vào những năm 1980, nhưng chỉ trong vòng một thập kỷ, nó đã trở thành một hòn đảo do sông băng Blomstadbreen ngày càng thu hẹp lại. Những hình ảnh của Filipova mang theo thông điệp mạnh mẽ về sự thay đổi của Bắc Cực, cũng như nhu cầu cấp bách phải bảo vệ khu vực này.

Cập nhật: 15/11/2024 Zing/ĐSPL
  • 781