Nơi suốt 6 tháng bị sóng triều cường cao 13m hất thẳng lên nóc nhà 3 tầng

  •  
  • 1.755

Đây là nơi chứng kiến những đợt sóng chiều cao nhất châu Âu, thường kéo dài trong nửa năm từ tháng 3 tới tháng 9.

Nơi chứng kiến những đợt sóng triều cao nhất châu Âu là thị trấn Saint Malo (Pháp). Được thành lập từ thế kỷ 1 Trước công nguyên, nơi đây từng có tên gọi là Reginca.

Thị trấn cổ Saint Malo là nơi chứng kiến những đợt sóng triều cường mạnh nhất châu Âu
Thị trấn cổ Saint Malo là nơi chứng kiến những đợt sóng triều cường mạnh nhất châu Âu.

Là một thành phố thuộc vùng Brittany và được xây dựng bởi Gauls vào thế kỷ 1 trước Công nguyên, nơi đây sở hữu kiến trúc nổi tiếng với những con phố yên bình, những ngôi nhà nhỏ xinh và cả những pháo đài thời Trung cổ hoành tráng. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý đặc biệt, nơi đây cũng đem lại cho du khách cảm giác vừa dễ chịu, thư thái lại vừa vui tươi, nhộn nhịp.

Về cơ bản, thị trấn từng không có người sinh sống cho tới khoảng thế kỷ thứ 8 bắt đầu có cư dân tìm tới. Giai đoạn thế kỷ thứ 17 đến 18 là thời kỳ hưng thị ở Saint Malo khi thị trấn nhỏ này trở thành cảng hàng đầu nước Pháp.

Đến nay, người ta biết tới Saint Malo nhiều hơn nhờ những đợt sóng thủy triều cao ngoạn mục. Thường kéo dài trong nửa năm từ tháng 3 tới tháng 9 hàng năm là thời điểm sóng triều ở đây dữ dội nhất.

Cận cảnh sóng triều cao tới 13m đánh thẳng lên nóc nhà xây sát ven đê.
Cận cảnh sóng triều cao tới 13m đánh thẳng lên nóc nhà xây sát ven đê.

Trong khoảng thời gian đó, hai ngày một lần, cứ sau 6 giờ, biển lại chuyển động do lực hấp dẫn từ mặt trăng và mặt trời phối hợp hoạt động. Các bãi biển, những tảng đá của Breton được bao phủ bởi vũ điệu không ngừng từ sóng.

Nếu may mắn, du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng đợt sóng triều cao tới 13m, hất thẳng lên nóc nhà 3 tầng nằm bao xung quanh.

Du khách đi bộ trên tuyến đê chắn sóng.
Du khách đi bộ trên tuyến đê chắn sóng.

Sở dĩ thủy triều ở đây mạnh mẽ đến vậy bởi thị trấn nằm ở ngay cửa sông Rance đổ ra eo biển Mance. Từng đợt sóng mạnh liên tiếp đánh vào chân đê cổ làm bằng đá granit.

Biển của vùng đất này có dòng hải lưu biến động không ngừng, kèm theo thủy triều hoạt động mạnh, nên người dân địa phương đã quen với việc sóng cao đánh vào bờ. Thay vì lo lắng, họ lạc quan trêu đùa rằng, đó là "nụ hôn nồng nhiệt" giữa biển và đất liền.

Được biết, hệ thống đê chắn sóng cổ đã trở thành biểu tượng riêng ở Saint Malo. Hệ thống có hơn 3.000 cọc gỗ cao 3m, được xây dựng từ thế kỷ 17. Tính đến nay sau gần 300 năm bị ngâm trong nước biển và sóng đánh liên tục nhưng các cọc gỗ vẫn trong tình trạng sử dụng tốt.

Vào thời gian triều cường, các biển cảnh báo nguy hiểm được gắn khắp nơi. Du khách luôn được khuyến cáo nên hạn chế đi bộ dọc sát bờ biển, tránh những trường hợp rủi ro.

Rượu vang ngâm trong nước biển
Thị trấn cổ này còn nổi tiếng với loại rượu vang ngâm trong nước biển, được đánh giá "ngon trứ danh".

Tuy nhiên, thủy triều không phải là điểm ấn tượng duy nhất để du khách biết tới thị trấn nhỏ này. Đây được coi là thị trấn kỳ lạ nhất nước Pháp với rượu vang chất đầy đáy biển. Đó là thứ rượu vang được ngâm ủ trong lòng biển ít nhất 12 tháng, với hương vị mặn mà khác biệt.

Theo đó, vào đầu những năm 2000, ông Yannick Heude, chủ của cửa hàng rượu tên Cave de l'Abbaye St-Jean tại Saint Malo đã có một ý tưởng điên rồ khi muốn thực hiện ủ rượu ngay dưới biển.

Người này cho rằng nhiệt độ dưới nước là hoàn hảo để ủ rượu lâu năm khi nó hoàn toàn có điều kiện nhiệt độ ngang ngửa với một hầm rượu. Để bắt đầu ý tưởng của mình, Heude đã bắt đầu ngâm những chai rượu dưới nước để giúp khách hàng kỷ niệm ngày sinh của con họ.

Sau nhiều năm, việc ủ rượu dưới biển đã trở thành truyền thống đặc biệt của vùng này và giúp họ tiếp tục thu hút lượng lớn khách du lịch. Thông thường, nghi lễ ủ rượu này thường diễn ra vào tháng 6 hàng năm được gọi là "L'immersion des vins en baie de St Malo".

Những chai rượu được vớt lên, đánh số năm và bày bán tại các cửa hàng rượu tại Saint Malo.
Những chai rượu được vớt lên, đánh số năm và bày bán tại các cửa hàng rượu tại Saint Malo.

Vào ngày đó, khoảng 700 chai rượu vang sẽ được xếp chồng lên nhau, bao gồm các loại như Syrah đỏ, Saumur Champigny và Vouvray và hạ thấp 15m xuống đáy biển. Đồng thời, những chai rượu được đưa xuống biển từ năm ngoái cũng sẽ được vớt lên và cho du khách cùng người dân thưởng thức ngay tại bến cảng.

Cập nhật: 10/10/2024 Theo Dân Trí/Trí Thức Trẻ
  • 1.755