Trung tâm Công nghệ sinh học và ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ Đà Nẵng đã thực hiện thành công việc sản xuất giống và nuôi cá ngựa vằn thương phẩm.
Cá ngựa vằn. (Ảnh nsf.gov)
Đây là kết quả hợp tác giữa Viện Hải dương học và Trung tâm Công nghệ sinh học và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Đà Nẵng trong việc thực hiện đề tài “Chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá ngựa cho cộng đồng sống ở vùng ven biển Đà Nẵng.”
Thực hiện từ năm 2007, đến nay, các hộ dân đã nuôi được cá ngựa thương phẩm từ cá ngựa vằn con hay còn gọi là cá ngựa đuôi hổ (Hipppcampus kuda) với thức ăn chủ yếu là nhóm chân mái chèo (Copepoda) lấy từ các ao nuôi tôm hoặc nuôi cá.
Cá giống dùng trong đề tài nghiên cứu này được nhập về từ Phú Yên và Khánh Hòa; được nuôi với mật độ 50 con/bể 60 lít. Cá thương phẩm được nuôi với mật độ 30 con/60 lít bằng nước biển tự nhiên qua tinh lọc và hệ thống nuôi hòan chỉnh theo yêu cầu.
Phục vụ đề tài nghiên cứu, gia đình ông Ngô Văn Ri, phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, với sự giúp đỡ của Viện Hải Dương học và Trung tâm Công nghệ sinh học và ứng dụng khoa học công nghệ Đà Nẵng, đã nuôi và xuất bán cá ngựa vằn thương phẩm phục vụ xuất khẩu.
Hằng năm Việt Nam xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ và Trung Quốc hàng trăm nghìn con cá ngựa cảnh và cá ngựa ngâm thuốc. Nuôi cá ngựa là nghề nuôi mới ở Việt Nam và không quá khó, ít rủi ro, đầu tư cơ sở vật chất cũng không quá tốn kém, giá bán ổn định nên lợi nhuận khá cao.
Đề tài nghiên cứu thành công sẽ giúp cho các hộ dân sống ở các vùng ven biển có thêm nghề mới, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình, nhất là đối với Đà Nẵng, khi mà đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và việc nuôi cá ngựa lại thích hợp với điều kiện tự nhiên ở nơi đây.