Khẩn cấp bảo tồn voi hoang dã Việt Nam

  •  
  • 632

Cục Kiểm lâm vừa trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn voi hoang dã Việt Nam trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng.

Những chú voi Buôn Đôn trong khuôn viên ở Trai Cung - Ảnh: VNN

Cục Kiểm lâm và các tỉnh Tây Nguyên, Nghệ An, Đồng Nai đã phối hợp thiết lập 3 vùng bảo tồn voi đặc biệt và lập ra 3 ban quản lý bảo tồn voi hoang dã tại các vùng này. Mục tiêu của chương trình xây dựng vùng bảo tồn đặc biệt này là tăng cường giáo dục nhận thức về bảo tồn voi cho cộng đồng, quản lý voi nhà và hợp tác quốc tế để phát triển nguồn gen voi rừng.

Vùng bảo tồn voi Tây Nguyên rộng 250.000 ha đang bảo vệ 2 quần thể voi hoang dã (khoảng 128 con) tại các vùng rừng Đắk Lắk và phía Tây Nam tỉnh Gia Lai. Vùng bảo tồn rộng 160.000 ha được thiết lập tại các khu rừng tự nhiên thuộc tỉnh Đồng Nai sẽ bảo tồn hơn 10 con và vùng bảo tồn rộng 200.000 ha ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An sẽ bảo tồn khoảng 20 con.

Các giải pháp chủ yếu được đưa ra gồm bảo vệ nơi sống và nguồn thức ăn, đẩy mạnh tái tạo rừng và phủ xanh đất trống đồi núi trọc, xóa bỏ lán trại, nương rẫy trái phép trong vùng voi hoạt động, đồng thời tăng cường vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, không săn bắt voi trái phép.

Ngoài 3 vùng bảo tồn voi đặc biệt trên, hiện nay tỉnh Quảng Nam cũng đang khẩn trương thiết lập một khu bảo tồn voi rộng 56.000 ha tại khu vực phía tây của tỉnh nhằm bảo vệ đàn voi rừng đang sinh sống tại đây trong nhiều năm qua.

Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học vùng Trung Trường Sơn giai đoạn 2004-2020, đang được Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn triển khai, cũng đặt mục tiêu đến năm 2007 thiết lập được vùng quản lý hữu hiệu đối với loài voi rừng tại các tỉnh trong khu vực.

Việt Nam là một trong 13 nước châu Á có quần thể voi sinh sống. Tuy nhiên voi rừng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, với mức suy giảm đàn voi lên tới 93% so với 30 năm trước - mức báo động khẩn cấp. Vào những năm 1975-1980, Việt Nam có tới 2.000 cá thể voi hoang dã nhưng đến năm 2005 chỉ còn dưới 150 cá thể, sống tập trung ở các tỉnh dọc biên giới Việt-Lào, Việt Nam-Campuchia.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đàn voi rừng đang ngày càng vắng bóng, ngay cả trong những vùng rừng vốn là địa bàn sinh sống chủ yếu của chúng như những cánh rừng già thuộc dãy Nam Trường Sơn, bao gồm tại các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Nam, Nghệ An.

Tại Cao nguyên Đắk Lắk, nơi cư trú từ lâu đời của loài voi rừng Việt Nam, đến cuối năm 2005 chỉ còn không quá 60 con voi, giảm một nửa so với năm 1997 và bằng 1/7 so với 30 năm trước. 

Theo TTXVN, Tuổi Trẻ Online
  • 632