Những người yêu thích opera giờ đây sẽ có thể được thưởng thức kiệt tác Medee của soạn giả Luigi Cherubini. Sau hơn 200 năm, lần đầu tiên toàn bộ nội dung của vở opera này được các nhà khoa học sử dụng công nghệ hiện đại để khôi phục vì một phần của nó bị che mất dưới lớp carbon.
Gần đây, Uwe Bergmann - một nhà khoa học người Đức làm việc tại Đại học Stanford (Mỹ) - đã có ý tưởng khôi phục lại Medee theo phương pháp mà các nhà khoa học tại SLAC đã dùng để phát hiện ra các văn bản ẩn trong các tác phẩm của Archimedes. Uwe Bergmann giải thích, bằng mắt thường không thể xem được những nốt nhạc ẩn dưới một lớp than. Nhưng với sự hỗ trợ của thiết bị synchrotron, chụp X-quang có thể phát hiện chất sắt và kẽm trong mực mà Cherubini sử dụng, làm chúng phát sáng.
Theo báo Daily Mail, các nhân viên phòng thí nghiệm đã tập trung chùm tia X ở mức độ 50 micron để quét từng dòng của bản thảo và mất 8 giờ để hoàn tất. Một máy tính được dùng để chuyển đổi dữ liệu X-quang thu được vào sắc thái xám để nhận biết các nốt nhạc ẩn.
Tên đầy đủ của tác giả vở opera Medee là Maria Luigi Carlo Zenobio Salvatore Cherubini. Ông sinh năm 1760 tại Florence, là con thứ mười trong một gia đình có tới một tá anh chị em. Nội dung Medee dựa trên thần thoại Hy Lạp về Medea, người phụ nữ đã giết hai đứa con của mình để trả thù người chồng phản bội. Cherubini đã viết kiệt tác opera của mình vào năm 1797, nhưng nó chỉ nhận được sự thờ ơ của các nhà phê bình thời đó, thậm chí có lời phàn nàn rằng 3 giờ cho một vở opera là quá dài. Khó chịu với những lời chỉ trích, tác giả phản ứng bằng cách bôi đen một phần bản nhạc để rút ngắn nó, vì vậy hơn 200 năm qua người ta chỉ có thể biểu diễn vở opera Medee với phần rút gọn này.