Không cần danh tính thật, vẫn đăng ký được tên miền?

  •  
  • 42

Nhiều người dùng Internet đang phải đối mặt với một tình huống khó xử: Cung cấp thông tin liên hệ (có thật) mỗi khi đăng ký một tên miền mới và chuẩn bị tinh thần đón nhận thư rác. Còn nếu nhập vào dữ liệu giả, bạn có thể sẽ mất tên miền bất cứ lúc nào. 

Tín hiệu cứu viện đang le lói, khi vào tuần trước, một đề xuất đã được đệ trình lên ICANN, theo đó, các người dùng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ sở hữu website/tên miền riêng sẽ có nhiều quyền riêng tư cá nhân hơn.

"Họ sẽ không phải công bố thông tin liên hệ cá nhân của mình trước bàn dân thiên hạ nữa", ông Ross Rader - Giám đốc công ty đăng ký tên miền Tucows, một thành viên trong nhóm đệ trình đề xuất nói trên tuyên bố. "Đó sẽ là một sự thay đổi lớn cho những ai sở hữu tên miền".

Tâm điểm của mọi tranh cãi nằm ở một cơ sở dữ liệu công khai có tên Whois. Với Whois, bất cứ ai cũng có thể tìm thấy họ tên đầy đủ, tổ chức, địa chỉ hòm thư và email, cùng với số điện thoại đi kèm với một tên miền cụ thể.

Nguồn: SecurityLabs
Theo kế hoạch, ICANN sẽ lắng nghe đề xuất mới vào tuần tới tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, nếu đề xuất này có được hiện thực hóa và đi vào cuộc sống thì cũng phải mất vài năm nữa.

Theo đề xuất, khi đăng ký tên miền, bạn sẽ có thể kê khai thông tin liên hệ của một trung gian thứ ba, thay vì "báo cáo" tất tật thông tin của mình như trước đây. Thế nhưng cũng vì điểm này mà các luật sư bảo vệ sở hữu trí tuệ lại lo ngại rằng bọn tội phạm mạng và bậc thầy lừa đảo có thể che giấu danh tính thật dễ dàng hơn.

Nỗi lo còn đó

"Sẽ rất khó và tốn kém để tìm ra ai là kẻ thật sự đứng đằng sau một tên miền", bà Miriam Karlin, Giám đốc luật pháp của International Data Group cho biết. Bà cho biết ngày nào mình cũng lướt một vòng trong cơ sở dữ liệu của Whois để phát hiện những kẻ vi phạm bản quyền và thương hiệu doanh nghiệp.

Trên thực tế, riêng tư cá nhân không phải là một vấn đề quan trọng khi hệ thống kê khai tên miền hiện hành bắt đầu hoạt động hồi những năm 80. Khi ấy, chính phủ và giới nghiên cứu đều biết rõ nhau trong lòng bàn tay, nên chẳng ngại gì khi chia sẻ thông tin cá nhân để cùng giải quyết các vấn đề về kỹ thuật.

Ngày nay, cơ sở dữ liệu Whois được sử dụng vào nhiều mục đích hơn nhiều. Các quan chức tư pháp và ISP thì dùng nó để chống lại nạn lừa đảo và hacking. Các luật sư thì dựa vào Whois để săn lùng những kẻ vi phạm bản quyền hoặc thương hiệu sản phẩm. Nhà báo cậy nhờ Whois để tiếp cận chủ sở hữu Website. Còn spammer ư? Chúng đào mỏ trong Whois để dội bom thư rác.

Vấn đề quan trọng nhất: Người dùng Internet ngày càng đòi hỏi cao hơn về quyền riêng tư cá nhân, thậm chí là quyền ẩn danh. Nhiều cá nhân dùng website để chỉ trích những tập đoàn lớn hoặc quan chức chính phủ tham nhũng, chính vì thế, cơ sở dữ liệu Whois có thể khiến họ rơi vào vòng nguy hiểm.

Tại châu Âu, nơi luật pháp nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn nước Mỹ, thường thì các công ty cấp tên miền không kiểm tra độ xác thực của thông tin. Nhưng một khi đã chứng thực được website này/tên miền này dùng thông tin giả để kê khai, họ có thể đóng cửa tên miền đó vĩnh viễn.

Trọng Cầm

Theo AP, VietNamNet
  • 42