Không chỉ con người, loài ong cũng bị stress vì công việc

  •  
  • 359

Bạn đã từng rơi vào tình trạng làm việc quá sức, mệt mỏi, và trí óc lẫn lộn? Nghiên cứu mới đây cho thấy loài ong mật cũng rơi vào tình trạng tương tự, và có lẽ chúng ta hiểu lý do tại sao.

Không thể nói rằng cuộc sống của một chú ong mật là dễ thở. Mỗi ngày, những chú ong phải thực hiện rất nhiều chuyến đi với những quãng đường dài để thu thập các tài nguyên quan trọng từ phấn và mật hoa. Chúng phải đối mặt với những loài săn mồi, những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, và nguy cơ...bị lạc.

Hành trình lấy mật xa xôi đầy stress nói trên khiến khả năng giải quyết vấn đề của loài ong bị sụt giảm.
Hành trình lấy mật xa xôi đầy stress nói trên khiến khả năng giải quyết vấn đề của loài ong bị sụt giảm.

Theo Quartz, cũng giống như hội chứng stress mãn tính tác động lên các chức năng thần kinh của con người, một nghiên cứu mới đây đã cho thấy, những hành trình lấy mật xa xôi đầy stress nói trên khiến khả năng giải quyết vấn đề của loài ong bị sụt giảm khi nó làm thay đổi kết nối giữa các nơ-ron cụ thể trong não bộ.

Lấy mật với cường độ cao ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của loài ong

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tác động của hoạt động lấy mật lên các kỹ năng giải quyết vấn đề của loài ong bằng cách sử dụng các thẻ radio để theo dõi các con ong riêng rẽ. Họ đã thử nghiệm khả năng phân biệt giữa các hương hoa khác nhau của ong mật - vốn là một kỹ năng tối quan trọng để xác định các loài hoa nào sản sinh ra phấn và mật hoa trong môi trường.

Sau đó, họ tiếp tục thử nghiệm khả năng chuyển đổi mục tiêu giữa các hương hoa khi mùi hương thay đổi để cảnh báo sự hiện diện hoặc biến mất của thức ăn. Điều này rất quan trọng để quá trình tìm mật đạt hiệu quả cao, bởi các loài hoa khác nhau sản sinh ra phấn và mật hoa ở các thời điểm khác nhau trong năm.

Những chú ong mật cũng cần phải hoạt động với trạng thái tinh thần tốt nhất mới có thể điều hướng giữa hoa và tổ, nếu không chúng sẽ không thể thu thập đầy đủ thức ăn cho cộng đồng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những chú ong đã tham gia tìm mật trong một thời gian dài hay ở tần suất cao sẽ bị suy giảm khả năng học các mùi vị mới. Các nhà nghiên cứu tin rằng nguyên nhân của việc này có lẽ là stress. Stress ở các động vật có vú khiến chúng rơi vào tình trạng khó khăn trong việc học hỏi, tương tự như loài ong, và một nghiên cứu khác gần đây cũng cho biết những chú ong bị stress sẽ có hiệu quả công việc nghèo nàn.

Đối với những chú ong trẻ - vốn có khả năng chống chịu kém với các điều kiện môi trường - thì việc đi tìm mật là đặc biệt gây stress. Đáng ngạc nhiên là việc đi tìm mật lại có tác động xấu như vậy đến loài ong, dù trước đó, hoạt động này được xem là thời điểm giá trị dành cho việc huấn luyện thần kinh trong một môi trường rộng lớn và phức tạp.

Ong tham gia tìm mật trong một thời gian dài hay ở tần suất cao sẽ bị suy giảm khả năng học các mùi vị mới.
Ong tham gia tìm mật trong một thời gian dài hay ở tần suất cao sẽ bị suy giảm khả năng học các mùi vị mới.

Các nhà nghiên cứu còn xác định được những thay đổi trong cấu trúc não gây ảnh hưởng đến khả năng học hỏi, mà nguyên nhân đến từ stress. Những chú ong đi tìm mật với cường độ cao có nhiều kết nối hơn giữa các khu vực não sử dụng vào việc xử lý mùi vị và một khu vực tham gia vào học hỏi và ghi nhớ. Phát hiện này làm dấy lên khả năng thú vị rằng các nghiên cứu trong tương lai có lẽ sẽ dự đoán được các khả năng giải quyết vấn đề chỉ bằng cách nhìn vào cấu trúc một bộ não.

Tại sao chúng ta lại quan tâm đến loài ong?

Sự giảm sút của loài ong mật - còn được biết đến với tên gọi "Colony Collapse Disorder" - là một vấn đề toàn cầu. Chúng ta không biết chính xác điều gì đang xảy ra với dân số loài ong ở Úc, nhưng sự sụt giảm ở New Zealand và Mỹ đã vượt quá mức độ bền vững.

Loài ong đóng góp cho nền kinh tế nước Úc khoảng 73,6 triệu USD mỗi năm. Xác định được các yếu tố gây stress cho loài ong có thể sẽ giúp chúng ta quản lý và giảm thiểu sự biến mất của chúng.

Có lẽ các quốc gia nên học hỏi từ Liên minh châu Âu - khu vực mới đây đã ra lệnh cấm sử dụng thuốc trừ sâu có chứa neonicotinoid, một hóa chất trực tiếp gây ảnh hưởng lên bộ não ong. Xa hơn nữa, chúng ta sẽ có thể phát triển các bài thử nghiệm đơn giản dành cho những người bảo vệ ong để kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề của chúng. Nhờ vậy, loài ong có thể xác định được những quần thể yếu trước khi chúng sụp đỏ, bằng cách tìm ra các vấn đề sớm và bảo vệ sức khỏe của cả quần thể đó.

Cập nhật: 25/06/2018 Theo vnreview
  • 359